Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo. Tham gia Hội nghị còn có Đại sứ việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, đại diện một số Ban Đảng, 19 Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và Lãnh đạo các Cục Vụ chức năng của Bộ Công Thương.
Hội nghị tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng tình hình tình hình kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu – những tác động đến Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2019-2020, trong đó đặc biệt tập trung vào công tác tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các khung hợp tác mới về kinh tế, thương mại và công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới, công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả hệ thống Thương vụ đã đạt được trong thời gian vừa qua tại Thị trường châu Âu -địa bàn chiến lược của xuất khẩu Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại... Đồng chí cũng nhấn mạnh, khi Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới với các nước châu Âu, việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cũng như hình thành các chuỗi giá trị mới là nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Công Thương và các Thương vụ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục đổi mới hoạt động Thương vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, xây dựng hệ thống thương vụ năng động, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu: trong năm 2019, khối Thương vụ khu vực châu Âu tập trung mọi nguồn lực hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành kế hoạch Quốc hội và Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương; tập trung vào công tác phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà các nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước châu Âu đạt đạt 62,11 tỷ USD, tăng 11,85% so với năm 2017, xuất siêu 27,75 tỷ USD. 4 tháng năm 2019, kim ngạch song phương đạt 20,06 tỷ USD, tăng 4,09%, xuất siêu 9,3 tỷ USD. - Về thị trường xuất khẩu: Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu năm 2018 đạt 44,93 tỷ USD tăng 9,31% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khối EU đạt 41,95 tỷ USD tăng 9,43%, các nước ngoại EU đạt 2,98 tỷ USD, tăng 7,645 so với cùng kỳ năm 2017. Nhập khẩu năm 2018 từ thị trường Châu Âu 17,18 tỷ USD tăng khoảng 19,08% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Âu chiếm 18,45% tương đương 1/5 tổng xuất khẩu của cả nước. Xuất siêu sang khu vực thị trường châu Âu năm 2018 đạt 27,7 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang khu vực đạt 20,06 tỷ USD, tăng 4,09%. Trong đó, xuất khẩu đạt 14,68 tỷ USD, tăng 2,7%, nhập khẩu đạt 5,38 tỷ, tăng 8,085 . Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Năm 2018, có 12 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD tăng 3 thị trường so với năm 2017. Trong đó có 3 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD gồm Hà Lan, Đức và Anh. Có 15 thị trường có mức tăng trưởng đạt mức trên 2 con số. Xuất khẩu sang thị trường các nước Khối liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) đặc biệt tăng trưởng mạnh sau khi FTA Việt Nam ký với các nước này đi vào hiệu lực, cụ thể xuất khẩu vào Nga tăng 12,8%. - Về cơ cấu mặt hàng: Về cơ bản, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang khu vực châu Âu có xu hướng dịch chuyển tích cực. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 23,68 tỷ USD, tăng 13,52%, chiếm 29,78% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực trong năm 2018 đạt 17,18 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2017. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Đức đạt 3,8 tỷ USD, tăng 20,64%, Nga đạt 2,1 tỷ USD, tăng 53,3%, Itlia đạt 1,77 tỷ, tăng 5,97%. |