Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những thách thức và cơ hội

Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vẫn còn rất nhiều thách thức và cơ hội.

Sáng 19/10, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những thách thức và cơ hội
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương phát biểu khai mạc

Định hướng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, Viện được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong thời gian tới, Viện sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược để hoàn thành dự thảo, dự kiến sẽ báo cáo Bộ Công Thương để trình Chính phủ trong quý II/2024.

Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những thách thức và cơ hội
Ông Đỗ Nam Bình - Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim - Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương phát biểu tại tọa đàm

Ông Đỗ Nam Bình - Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim - Cục Công nghiệp nhận định: Mặc dù ngành thép Việt Nam đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên thực tế thời gian qua, các địa phương cũng như các doanh nghiệp thép còn khá lúng túng khi chưa có một quy hoạch đầu tư phát triển ngành thép một cách bài bản.

Chính vì thế, phát triển ngành thép vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập. Điển hình là bên cạnh những nhà máy thép lớn được đầu tư công nghê mới, vẫn còn rất nhiều những nhà máy thép cũ, công suất dưới 500.000 tấn năm, công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường, sức cạnh tranh kém.

Về năng lực sản xuất, Cục Công nghiệp cũng cho biết, đến năm 2023, năng lực sản xuất phôi thép cả nước khoảng là 28 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm, thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn), đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho thị trường xuất khẩu.

Về cơ cấu nguyên liệu phục vụ sản xuất có 42% thép được sản từ nguyên liệu là thép phế (có nguồn gốc chủ yếu là nhập khẩu) và 58% sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt.

Về thép phục vụ ngành cơ khí, chế tạo: Hiện nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn/năm, tuy nhiên ngành thép trong nước mới sản xuất được khoảng 8 triệu HRC tấn/năm thép cuộn cán nóng HRC đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước đáp ưng một phần trong nước. Đối với thép HRC, theo dự báo sẽ tăng mạnh do tiêu thụ thép bình quân đầu người ở việt nam còn thấp so với thế giới (hiện khoảng 240 kg/người), tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam còn thấp và dự kiến tăng mạnh khi các ngành chế biến, chế tạo và xây dựng tăng trong thời gian tới.

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu

Về nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Đỗ Nam Bình cũng cho biết, sản xuất thép sắt, thép là một trong những ngành chịu tác động lớn từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Chính sách này sẽ thí điểm áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Cơ chế CBAM được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Hiện, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Chính vì thế, ông Bình khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những thách thức và cơ hội
ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng sản xuất xanh là xu hướng tất yếu và các doanh nghiệp thép rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong công tác này.

Tại tọa đàm, ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Hiện các nước phát triển trên thế giới đang xây dựng lộ trình phát triển xanh. Đây cũng chính là rào cản và thách thức lớn trong công tác xuất khẩu thép của Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.

Ông Thảo cũng thừa nhận, sản xuất thép của Việt Nam đang đi sau rất nhiều nước, còn thiếu và yếu về công nghệ. Chính vì thế, ngành thép Việt Nam cũng mong muốn Chính phủ có những hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể về công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp trong công tác sản xuất xanh.

Về sản xuất xanh cho ngành thép, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - cho rằng: Chuyển đổi xanh là xu hướng không thể thay đổi nên các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để sẵn sàng trong xu thế hội nhập.

Kiến nghị tiếp tục xây dựng hàng rào với thép nhập khẩu

Tại tọa đàm, bà Trần Thu Hiền - Giám đốc Pháp lý, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện tổng công suất của Tập đoàn Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn khi nhà máy Thép Hòa Phát - Dung Quất giai đoạn 2 hoàn thành và đi vào hoạt động. Bà Hiền kiến nghị, để đảm bảo cho ngành thép trong nước phát triển, cần xây dựng hàng hàng kỹ thuật chặt chẽ hơn với thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những thách thức và cơ hội
Các đại biểu đều thống nhất với kiến nghị cần xây dựng hàng hàng kỹ thuật chặt chẽ hơn với thép nhập khẩu vào Việt Nam, nhằm đảm bảo quyền lợi chung của thị trường cũng như người tiêu dùng.

Về vấn đề này, trước đó ngày 6/7/2023, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ đề xuất xem xét xây dựng hàng hàng kỹ thuật, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh…. Cụ thể, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.

Trong khi đó, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Do vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác dẫn đến thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.

Chính vì thế, tại tọa đàm, các doanh nghiệp thép đều đồng tình với kiến nghị xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và các bộ ngành tăng cường công tác cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa. Từ đó góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước, đảm bảo quyền lợi chung của thị trường cũng như người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Công Thương