Chức năng nhiệm vụ


CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC CÔNG NGHIỆP

(Theo Quyết định số 2632/QĐ-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương
 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công Nghiệp)

Vị trí và chức năng

1. Cục Công nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực công nghiệp gồm: công nghiệp cơ khí, luyện kim; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ dầu khí, than, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng); công nghiệp điện tử (trừ công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số); công nghiệp tiêu dùng (dệt, may, da giày, giấy, sành sứ, thủy tinh, nhựa); công nghiệp thực phẩm (rượu, bia, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, dầu thực vật, thuốc lá, chế biến bột và tinh bột); công nghiệp chế biến khác; công nghiệp hỗ trợ; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

2. Cục Công nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn khác theo quy định của Nhà nước.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Vietnam Industry Agency.

Tên viết tắt: VIA.

Trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tổ chức xây dựng và trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

2. Ban hành các văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

3. Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

4. Thực hiện việc cấp, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi, kiểm tra các loại giấy phép, giấy xác nhận theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và của Cục.

5. Chủ trì giải quyết hoặc đề xuất với Bộ trưởng biện pháp giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

6. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phát triển các ngành khoáng sản, cơ khí, luyện kim, cơ điện tử, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện sau khi được phê duyệt.

7. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.

8. Chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, ban hành danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn xuất khẩu các loại khoáng sản (trừ dầu khí, than và khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng); hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện sau khi được phê duyệt.

9. Chủ trì xây dựng và quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dự toán xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật.

10. Chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng và chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau khi thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật. Tham gia ý kiến đối với các dự án chuyên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương.

11. Chủ trì trong lĩnh vực được phân công quản lý việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ (100% vốn nhà nước hoặc được giao quản lý, các công ty cổ phần do Bộ được giao là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước) thuộc ngành công nghiệp theo quy định của pháp luật. Đầu mối tổng hợp báo cáo các mặt hoạt động, nội dung trình Đại hội đồng cổ đông đối với các doanh nghiệp khối công nghiệp do Bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (bao gồm công nghiệp nặng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhẹ).

12. Tổ chức triển khai các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

13. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ.

14. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

15. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu, nội dung chương trình cải cách hành chính của Bộ.

16. Quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ. Thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý nhà nước của Cục theo quy định.

17. Quản lý tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao; tổ chức thực hiện ngân sách được giao và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

18. Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

19. Tham mưu quản lý nhà nước và theo dõi hoạt động của các Hội, Hiệp hội ngành nghề hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

20. Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về đánh giá hoạt động của ngành công nghiệp.

21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.