Hà Giang: Khôi phục tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng

Tập trung tháo gỡ khó khăn, lấy lại sức tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương Hà Giang trong năm 2024.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Hà Giang cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 của tỉnh tăng 4,14% so với tháng trước, tăng 16,95% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,62% so với tháng trước và giảm 2,01% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 1,66% so với tháng trước, tăng 65,60% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 9,84% so với tháng trước, giảm 4,65% so với cùng kỳ.

Riêng với công nghiệp khai khoáng dù sản xuất tháng 1 có cải thiện song theo nhận định từ Sở Công Thương Hà Giang ngành còn đang gặp nhiều thách thức do khó khăn kéo dài từ năm 2023.

Số liệu năm 2023 cũng cho thấy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm tới 52,81%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Hà Giang năm 2023 ước giảm 17,22% so với năm 2022 và không đạt chỉ tiêu kế hoạch (tăng 10% so với năm 2022).

Hà Giang: Khôi phục tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng
Hà Giang: Khôi phục tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng. Ảnh minh hoạ

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, ngành khai khoáng của tỉnh gặp khó chủ yếu do doanh nghiệp trong ngành không tiêu thụ được hàng tồn kho, phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, giá kim loại giảm dẫn đến sản xuất không hiệu quả, một số mỏ đang hoạt động cắt giảm công suất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Một số mỏ mới (mỏ thiếc vonfram Hố Quáng Phìn, mỏ sắt Tùng Bá) được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản do vậy cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, điều chỉnh dự án, xây dựng cơ bản.... mới có thể hoạt động tạo ra sản phẩm; mỏ sắt Nam Lương phải dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh; một số mỏ (mỏ sắt Minh Lập – Pù Ngọm; antimon Pó Ma) đã đầu tư xây dựng cơ bản nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đi vào hoạt động khai thác.

Xác định khai khoáng là ngành công nghiệp quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp của tỉnh Hà Giang, vì vậy, ngay từ đầu năm 2023 Sở Công Thương đã tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong đó tập trung triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phục hồi sản xuất đối với các khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh với các nội dung cụ thể: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức hội nghị đối thoại nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản và thuỷ điện; hướng dẫn các cơ sở công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thi công xây dựng; đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sớm đưa các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đi vào hoạt động…

Những hoạt động này tiếp tục là nhiệm vụ được tập trung thực hiện của ngành Công Thương Hà Giang trong năm 2024 nhằm khôi phục lại đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng. Từ đó, đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm nay tăng 5%.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các dự án đang tạm dừng và các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng dự án đi vào hoạt động. Các dự án thủy điện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, tổ chức nghiệm thu sớm đưa 6 nhà máy thuỷ điện đi vào vận hành phát điện.

Chủ động nắm bắt, tập trung tháo gỡ và giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng; đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất...đảm bảo dự án khởi công, hoàn thành đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sở Công Thương đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, rà soát, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, môt cửa liên thông; tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.

Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của Sở về chuyển đổi số theo năm và giai đoạn, tập trung vào 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cùng đó, hoàn thiện xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành Công Thương làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Nguồn: Báo Công Thương