Ngành thép sẵn sàng ứng phó với chính sách thuế carbon

Sắt, thép là một trong những ngành chịu tác động từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Chính sách này sẽ thí điểm áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh Châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Xuất khẩu thép sang EU sẽ bị ảnh hưởng?

Hiện, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Sắt thép là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp từ cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của EU (CBAM). Đây là công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao.

Cụ thể, từ tháng 10/2023, các doanh nghiệp thép sẽ phải thực hiện báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Sau khi được vận hành chính thức từ ngày 01/01/2026, doanh nghiệp thép sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên hạn ngạch miễn phí ETS và phần trăm CBAM. Đến năm 2034, cơ chế CBAM sẽ có hiệu lực và các doanh nghiệp thép sẽ phải nộp 100% phí.

Ngành thép sẵn sàng ứng phó với chính sách thuế carbon

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Phương Đông

Chính sách thuế này ảnh hưởng lớn tới ngành thép. Đại diện Posco Hàn Quốc cho biết, để ứng phó với quy định này, Posco Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon. Lộ trình từ nay tới năm 2040, Posco sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, đây là thách thức không đơn giản. Hiện Posco Hàn Quốc đang khai thác một kỹ thuật tiên tiến mới là không dùng carbon sản xuất thép mà thay thế bằng hydro.

Lãnh đạo Posco Hàn Quốc cũng cho biết, đơn vị đã đến châu Âu 5 lần để đề cập đến vấn đề này. EU cũng nhận định còn một số vấn đề liên quan tới cơ chế nhưng vẫn kiên quyết với lộ trình kể từ tháng 10 năm nay, các công ty thép, trong đó có Việt Nam phải thực hiện chế độ báo cáo, nếu thông tin không chính xác sẽ bị phạt tiền.

Theo đại diện Posco, đây sẽ là rào cản thương mại với ngành thép, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành thép cần bắt tay nhau để ứng phó với cơ chế CBMA.

Chủ động ứng phó

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, EU là một trong những thị trường hàng đầu của ngành thép. Nếu các doanh nghiệp thép không ứng phó tốt với CBAM của EU thì lượng hàng xuất khẩu sang EU, quan hệ thương mại hai chiều về thép với EU bị ảnh hưởng. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp thép. Từ 1/10 năm nay, các doanh nghiệp thép sẽ phải trực tiếp báo cáo với phía EU, do vậy phải chuẩn bị tài liệu tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của EU.

Về chính sách thuế carbon qua biên giới của EU (CBAM), ông Thái cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU đã biết tới quy định trên. Tuy nhiên, ứng phó thế nào thì phải có kinh nghiệm, đây cũng là việc hoàn toàn mới. Doanh nghiệp ngành thép cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời giải thích thêm về các khái niệm kỹ thuật cho doanh nghiệp.

Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, cơ chế tương tự như CBAM sẽ mở rộng ra với các thị trường khác, chứ không chỉ dừng ở EU. Ngành thép vốn là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, vì vậy, các doanh nghiệp cần hành động nhiều hơn để tuân thủ quy định mới theo Luật Bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, hiện nay, trước các quy định về kiểm soát phát thải nhà kính, trên thế giới nhiều tập đoàn hàng đầu như Nike, Adidas, Coca - Cola, Heineken… cũng đưa ra các tiêu chí quan trọng về môi trường để lựa chọn nhà cung cấp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi của các thương hiệu toàn cầu cần đáp ứng quy định về giảm phát thải carbon.

Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này cũng đang nắm bắt thông tin, chuẩn bị để ứng phó bởi mục tiêu là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Nếu không nắm kỹ quy định sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là khi thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Ông Thảo chia sẻ thêm, về lâu dài, doanh nghiệp thép cần sản xuất thép xanh. Tuy nhiên, làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới. Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam, doanh nghiệp sẽ cố gắng đến năm 2050 sẽ trung hòa được carbon.

Có thể nói, năm 2023 là một năm khó khăn đối với ngành thép Việt Nam khi giá thép giảm liên tục, tiêu thụ kém, tồn kho tăng cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường thép trong nước tiếp tục ảm đạm. Để có thể gỡ khó và đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp thép trong nước phải nâng cao kiến thức và hướng tới sản xuất xanh, bền vững, bắt kịp xu thế của thế giới.

Nguồn: Báo Công Thương