Có gì bên trong Nhà máy luyện đồng lớn nhất Việt Nam?

Chinhphu.vn) – Nằm trên mỏ đồng lớn nhất và duy nhất của Việt Nam, cũng như cả khu vực Đông Nam Á, Nhà máy luyện đồng Lào Cai (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam TKV) cung cấp ra thị trường hơn 11.000 tấn đồng katot/năm và nhiều kim loại khác như vàng, bạc, axit sulfuric, thạch cao…

Mỏ đồng Sin Quyền nằm sát biên giới Việt-Trung, thuộc huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai, từ tỉnh lỵ ngược lên phía bắc gần 40 km. Mỏ được phát hiện lần đầu tiên năm 1961, năm 1969 tiến hành công tác thăm dò, đến năm 1974 thì hoàn thành công tác đánh giá trữ lượng, hàm lượng đồng (Cu) và các kim loại cộng sinh khác có trong quặng.

Theo tài liệu báo cáo của Đoàn Địa chất 5 (Tổng cục Mỏ-Địa chất), mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng là 56 triệu tấn, tổng trữ lượng quặng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ khoảng hơn 100 triệu tấn. Qua thăm dò các vỉa quặng mới ở độ sâu âm 350 m đã phát hiện gần 20 triệu tấn quặng. Hơn 30 triệu tấn quặng còn lại nằm tại phân vùng 5 thuộc địa phận thôn Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Mỏ đồng Sin Quyền được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á và đứng “top” đầu châu Á.

Mỏ đồng Sin Quyền được đánh giá là mỏ đồng lớn nhất Đông Nam Á và đứng “top” đầu châu Á.
Ảnh: VGP/Phan Trang.

 

Ngày 17/9/2003, Tổng Công ty Khoáng sản, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khởi công xây dựng dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền. Đây là Dự án kim loại màu lớn nhất nước ta thời kỳ đó. 

 

Tổ hợp đồng Sin Quyền tại Lào Cai có tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, bao gồm 2 khu: Mỏ tuyển và nhà máy luyện đồng. Với tổ hợp này, Tổng Công ty Khoáng sản đã khép kín dây chuyền sản xuất từ khai thác, tuyển quặng tới luyện đồng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khu mỏ tuyển nằm trên 2 xã Bản Vược và Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, đi vào sản xuất chính thức từ ngày 14/4/2006 sau 3 năm khởi công, tạo việc làm cho hơn 500 công nhân địa phương.

 

Trước đây, với công nghệ cũ, chỉ tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 1% trở lên, với tỉ lệ thu hồi đạt trên 80%. Đến nay, nhờ công nghệ mới, có thể tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 0,8% trở lên, với tỉ lệ thu hồi đạt 92-97%.

Nhà máy luyện đồng Lào Cai nằm trong khu công nghiệp Tằng Loỏng. Nhà máy được xây dựng hoàn thiện khi mỏ tuyển đi vào hoạt động ổn định. Sản lượng thiết kế 10.000 tấn đồng kim loại. Đến nay, nhà máy đã cơ bản đạt công suất thiết kế.

Về chất lượng sản phẩm, thời kỳ đầu với công nghệ hỏa luyện, hàm lượng đồng trong xỉ lò Thủy Khẩu Sơn (SKS) dao động khoảng 1,14-7% đồng, chưa đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân chủ yếu do lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy luyện đồng, cán bộ, công nhân phần lớn chưa có kinh nghiệm thực tế, công tác vận hành chưa thuần thục. Đây cũng là lý do mà dư luận thường lên tiếng về dự án này. Nhiều người cho rằng, nhà máy áp dụng công nghệ cũ của Trung Quốc nên khó đạt được các chỉ tiêu về sản lượng và chất lượng đề ra.

Ảnh: VGP/Phan Trang

 

Ảnh: VGP/Phan Trang
 

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, các chỉ tiêu của lò SKS cơ bản đạt chỉ tiêu thiết kế (hàm lượng đồng trong xỉ =< 3%). Xỉ của lò SKS theo quy trình khép kín được đưa tới xưởng tuyển xỉ để thu hồi lại, đảm bảo hàm lượng đồng trong bã thải đạt trên chuẩn như thiết kế, đồng sản xuất tại nhà máy đạt 99,97% (thiết kế là 99,95%).

GS.TS Phùng Viết Ngư, Phó Chủ tịch Hội Đúc luyện kim Việt Nam cho biết: “Công nghệ luyện đồng Thủy Khẩu Sơn hiện các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Chất lượng đồng của nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế; một số chỉ tiêu còn tốt hơn so với đồng nhập ngoại. Ngoài sản phẩm chính là đồng kim loại, nhà máy còn thu hồi các sản phẩm đi kèm như vàng, bạc và axít…”.

Đồng thô được đưa đi tinh luyện trong lò phản xạ (mỗi ngày ra lò 28 tấn đồng dương cực) bằng phương pháp hỏa tinh luyện để tách các tạp chất: Fe, Pb, Bi, Sb, As... sản xuất tấm dương cực hợp quy cách. Đồng dương cực đem đi điện phân nhận được đồng âm cực (99,95% Cu) và bùn dương cực.

 

Công nhân "thăm" bể điện phân. Đồng âm cực (99,95% Cu) và bùn dương cực sẽ được lấy ra từ bể này. Xử lý bùn dương cực sẽ thu các kim loại quý: vàng, bạc... Mỗi năm Nhà máy luyện đồng Lào Cai sản xuất gần 600 kg vàng, 470 kg bạc.

 

Sản phẩm đồng (99,97%) được "đóng gói" ngay khi vừa ra khỏi bể điện phân.
Chất lượng đồng của nhà máy được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế, một số chỉ tiêu còn tốt hơn so với đồng nhập ngoại.

 

Sản phẩm vàng và bạc được thu lại trong quá trình dội, rửa lò (bùn dương cực). 
Cứ 4,3 tấn tinh quặng đồng thu được 1 tấn đồng catot (99,97% Cu) và 40 gram kim loại vàng.

 

Ngoài vàng và bạc, trong quá trình xử lý bùn dương cực còn thu được niken sulfat, đồng sulfat và thạch cao nhân tạo.

Có thể thấy, Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền - Lào Cai đi vào hoạt động không chỉ tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp kim loại màu Việt Nam, đáp ứng được 1/3 nhu cầu sản xuất trong nước, giảm mỗi năm hơn 40 triệu USD nhập khẩu đồng kim loại, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai - vùng đất nơi địa đầu của Tổ quốc.