Phát triển công nghiệp bán dẫn: Phải có tầm nhìn, quyết tâm lớn hơn

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm nữa.

Thực hiện chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn

Trong chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024 là sẽ năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm nữa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Một khi con người còn phát triển dựa trên thông tin, dữ liệu như yếu tố đầu vào của sản xuất thì việc sản xuất chip bán dẫn là trọng yếu. Lợi thế lớn nhất của người Việt Nam là có gen, năng khiếu STEAM (Toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học), đây là yêu cầu căn bản của bán dẫn. Trong các lợi thế thì gen là quan trọng nhất, không kém địa chính trị.

Từ lợi thế nhân lực sẽ ra lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn cần nhìn trong bức tranh lớn hơn.

Nếu nói thị trường chip bán dẫn chỉ có 60 tỷ USD/năm. Ngành công nghiệp bán dẫn chỉ có 600 tỷ USD mỗi năm. Nhưng ngành công nghiệp điện tử trên 3.000 USD/năm. Ngành công nghiệp chuyển đổi số lên tới 20.000 tỷ USD/năm, lớn hơn 600 lần thiết kế chip.

"Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà như là thiết kế thiết bị điện tử viên thông, tiêu dùng, công nghiệp và chuyển đổi sang thiết bị AI" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số mà Việt Nam có 100 triệu dân là thị trường lớn đang ở giai đoạn phát triển nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng nhanh. Đây là bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn nước nhà.

Phải có tầm nhìn, quyết tâm lớn hơn

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ, ông đã sang Mỹ làm việc với nhóm TreSemi - chuyên về bán dẫn thì phát hiện ra 25 năm trước nói về phần mềm, FPT toàn dựa vào mình, tự lực cánh sinh.

Nhưng trong ngành bán dẫn, người Việt Nam, Việt kiều đang hướng về đất nước. Đây là lực lượng sẵn sàng và có tính quyết định. Lực lượng bán dẫn là người Việt trên thế giới rất hùng mạnh.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

"AI, bán dẫn và công nghệ ô tô là ba hướng đi khối công nghệ FPT đặt cược" - ông Trương Gia Bình nói, đồng thời cho hay, ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty tại Nhật Bản, Mỹ.

Ngoài ra, tập đoàn có đội ngũ 4.000 chuyên gia trong mảng công nghệ phần mềm ô tô và nhiều đối tác, khách hàng là các hãng tên tuổi lớn toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, FPT muốn phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử phải có tầm nhìn lớn hơn và quyết tâm lớn hơn, nhìn vào không gian lớn hơn, khó hơn và để lại không gian dễ hơn cho người khác. Khó hơn sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn, ít cạnh tranh hơn.

Đất nước biết ơn doanh nghiệp vì họ tạo ra của cải, làm rạng danh đất nước, tạo ra vũ khí bảo vệ Tổ quốc. Doanh nghiệp giá trị hàng trăm triệu USD, hàng ngàn người thì không còn là tài sản cá nhân nữa, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, đất nước lớn hơn rất nhiều.

Mục tiêu doanh nghiệp không chỉ là lợi nhuận, sau lợi nhuận là sứ mệnh, giải quyết vấn đề xã hội, nhân loại. Doanh nghiệp phải có giấc mơ lớn nếu không sẽ về không, bắt đầu lại từ đầu. " FPT bây giờ đã lớn, thuộc nhóm những doanh nghiệp top đầu Việt Nam, đã đi ra toàn cầu, cạnh tranh quốc tế và đến lúc trả lại công cho Việt Nam. FPT hãy dùng công nghệ để hiện đại hóa, chuyển đổi số Việt Nam, biến Việt Nam hóa rồng, hóa hổ và trường tồn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công Thương