Doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản “bắt tay” phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trong Đông Nam Á, Việt Nam là nơi đầu tư an toàn. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội “cất cánh”.

Khởi phát cho những kết nối, hợp tác

Trong số 10 doanh nghiệp hội viên thuộc Kobe Aero Network (KAN) (Nhật Bản) tham gia lễ ký thỏa thuận hợp tác để hình thành Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) diễn ra ngày 20/2 có cả doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất tại Việt Nam và cũng có những doanh nghiệp lần đầu tiên đến Hà Nội để kiểm tra thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu lắng nghe giới thiệu về HANSSIP

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu lắng nghe giới thiệu về HANSSIP

Điểm chung của các doanh nghiệp này là có kinh nghiệm lâu năm chuyên sản xuất linh kiện máy bay, robot, tàu cao tốc, cơ khí cao… và có nhiều đối tác khách hàng tại các quốc gia trên thế giới.

Ông Onaga Masaru - Chủ tịch Công ty Cổ phần Onaga - thông tin, Nhật Bản là quốc gia có dân số già, do đó chúng tôi cũng đang tìm hướng đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ nên tương lai có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, nhất là hợp tác sản xuất chuỗi linh kiện toàn cầu.

“Trong Đông Nam Á, Việt Nam là nơi đầu tư an toàn. Các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đầu tư, hợp tác mà còn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, nhất là về lĩnh vực công nghệ cao hàng không, vũ trụ… để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Onaga Masaru nói.

Trong bức tranh chung của 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 3 với khoảng 5.300 dự án với 74 tỷ USD, trong đó, hơn 70% số này là thuộc ngành công nghiệp.

Chủ tịch HANSIBA, Chủ tịch HĐQT N&G GROUP Nguyễn Hoàng phát biểu tại sự kiện
Chủ tịch HANSIBA, Chủ tịch HĐQT N&G GROUP Nguyễn Hoàng phát biểu tại sự kiện

Nói về sự hợp tác hình thành Tổ hợp Techno-Park Việt Nam - Nhật Bản tại HANSSIP, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – đánh giá, đây là sự kiện rất có ý nghĩa trong việc triển khai chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản đã được Chính phủ hai nước Việt – Nhật triển khai từ nhiều năm qua.

“Đây là việc mà chúng tôi rất quan tâm, khuyến khích, trên cơ sở này chúng tôi luôn cam kết, đồng hành cùng các nhà đầu tư, cùng với Hà Nội hỗ trợ hoàn thiện thủ tục để các nhà đầu tư có thể triển khai dự án”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ và cho hay, khi cả thế giới khủng hoảng vì dịch Covid-19, rất nhiều quốc gia đóng cửa nhưng Việt Nam vẫn mở cửa để đón các nhà đầu tư.

Năm 2022, khi các nước kiểm soát được dịch bệnh và trở lại trạng thái bình thường thì GDP của Việt Nam tăng 8,02%. Điều này cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư đánh giá rất cao Việt Nam và đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ dịch chuyển sang Việt Nam.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đều kỳ vọng việc hình thành Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại HANSSIP sẽ là điểm khởi phát cho những hợp tác, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G - cho biết, việc hình thành Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản tại HANSSIP để các doanh nghiệp Nhật Bản cùng với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam liên kết, hợp tác về công nghệ, quy trình sản xuất, đặc biệt là chứng chỉ sản xuất toàn cầu sẽ là điểm cộng quan trọng bổ khuyết hoàn chỉnh cho doanh nghiệp HANSIBA – doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, làm tăng giá trị hiệu quả trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, doanh nghiệp hội viên thuộc Kobe Aero Network nói riêng khi cùng nhau sản xuất các sản phẩm ngành hàng không vũ trụ.

Chúng tôi tin tưởng, sự ra đời của Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản tại HANSSIP sẽ là điểm khởi phát thành công thế hệ mới, gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, ông Nguyễn Hoàng nói.

Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Tuy nhiên, việc hình thành Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản tại HANSSIP chỉ là bước khởi đầu. Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và TP. Hà Nội tiếp tục hỗ trợ hình thành và phát triển Tổ hợp Techno-Park Việt Nam - Nhật Bản, sản xuất các sản phẩm linh kiện công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trong ngành hàng không vũ trụ, bên trong HANSSIP do các doanh nghiệp vùng KOBE - Nhật Bản, đầu tư sản xuất và hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội - Việt Nam cùng tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu.

Đồng thời, kiến nghị đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính như: Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, đặc biệt là cấp chứng chỉ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các loại giấy phép khác theo quy định của Việt Nam để tăng sức cạnh tranh của TP. Hà Nội, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản và đối tác Việt Nam nhanh chóng đầu tư đi vào sản xuất.

Có hướng dẫn cụ thể, cơ chế đặc thù về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng và đang sử dụng tốt tại Nhật Bản hoặc nước thứ 3 về Việt Nam, để các doanh nghiệp này dịch chuyển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao tại Hà Nội.

Có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tại HANSSIP thông qua việc cấp giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Hỗ trợ, có chính sách cho các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo lao động, tạo điều kiện, hướng dẫn cấp phép lưu trú dài hạn (từ 5-10 năm) cho các chuyên gia, lãnh đạo các công ty Nhật Bản sang đầu tư sản xuất tại Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản,….

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo.

Sau khi khảo sát tại thực địa và tham gia một số các hoạt động trong khuôn khổ lễ ký kết, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, việc hình thành Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản là hoạt động hết sức ý nghĩa để thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Nhật Bản để thúc đẩy sự phát triển HANSSIP.

“Thủ đô Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó chú trọng hợp tác với các đối tác từ Nhật Bản”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.

Về các kiến nghị nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, liên quan đến vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính, chúng tôi đã giao cho Ban quản lý Khu công nghiệp - chế xuất của thành phố với tinh thần giải quyết một cách nhanh nhất. Trực tiếp trong thời gian vừa qua, Ban đã xem xét và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp trong vòng 24 giờ.

Nói riêng về HANSSIP, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố cũng đã có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư, đồng thời sẽ tham mưu để sớm hoàn thiện, đưa khu công nghiệp vào vận hành.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng khẳng định sẽ tiếp thu và ghi nhận, tổng hợp để tháo gỡ những vấn đề liên quan như về điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy… giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư được hoạt động thuận lợi tại HANSSIP. Đồng thời nhấn mạnh sẽ giao Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổng hợp, trực tiếp họp với các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc.

Việc hình thành Tổ hợp Techno-Park Việt Nam - Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội phát triển giữa hai bên. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Hà Nội cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các nhà đầu tư của Nhật Bản để giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.

Nguồn: Báo Công Thương