Hải Dương: Tiềm năng thu hút công nghiệp hỗ trợ lớn của miền Bắc

Những năm gần đây, Hải Dương thu hút nguồn vốn lớn cả trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.

Các khu công nghiệp Hải Dương thu hút thêm 32 dự án FDI

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 187,1 triệu USD.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, từ đầu năm đến ngày 11/9, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 293,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt 46,6% kế hoạch năm.

Hải Dương: Tiềm năng thu hút công nghiệp hỗ trợ lớn của miền Bắc
Khu công nghiệp An Phát (Hải Dương)

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 187,1 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 21 lượt dự án FDI với số vốn tăng thêm 106 triệu USD.

Một số khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án như An Phát 1, Lương Điền - Cẩm Điền, Lai Cách... Các dự án FDI này chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Hiện các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 265 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,17 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp đạt khoảng 80% diện tích.

Vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp Hải Dương tăng 26,3 lần

Không chỉ thu hút nguốn vốn “khủng” từ FDI, Hải Dương cũng thu hút lượng lớn vốn đầu tư trong nước. Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết từ đầu năm đến ngày 17/9, các khu công nghiệp ở Hải Dương thu hút được gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 26,3 lần so với kế hoạch năm.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án mới với tổng vốn đầu tư 852 tỷ đồng. Điều chỉnh cho 11 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 3.103 tỷ đồng.

Nguyên nhân vốn đầu tư trong nước vào khu công nghiệp tăng cao do dự án khu công nghiệp Tân Trường mở rộng và khu công nghiệp Đại An mở rộng điều chỉnh tăng vốn đầu tư để bổ sung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Khu công nghiệp An Phát 1 đã đi vào hoạt động nên thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư trong nước.

Đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút được 356 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 6,5 tỷ USD.

Hải Dương phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực mạnh

3 vùng gồm vùng công nghiệp động lực, vùng công nghiệp hỗ trợ, vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 78-CTr/TU ngày 13/9/2023 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện chương trình này, Hải Dương định hướng phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng, bao gồm: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Hải Dương: Tiềm năng thu hút công nghiệp hỗ trợ lớn của miền Bắc
Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương)

Cụ thể, theo Chương trình hành động này, Hải Dương sẽ phát triển không gian công nghiệp quy mô lớn, tạo thành thế mạnh của tỉnh, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng, ứng dụng khoa học và công nghệ cao và trở thành trục động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, bảo đảm an sinh xã hội; dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp hoặc ảnh hưởng môi trường.

Phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo; điện, điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Mở rộng, phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng, gồm: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hóa chất, hóa dược; đồng thời tiếp tục duy trì một số ngành công nghiệp khác như: dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp môi trường, sản xuất và phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải.

Hải Dương định hướng phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics; khu phi thuế quan; trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân.

Nguồn: Báo Công Thương