Chỉ số PMI tăng cho thấy “Sức khỏe” các ngành sản xuất của Việt Nam đã cải thiện

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam tháng 1/2024 nhích nhẹ, cho thấy “sức khỏe” các ngành sản xuất của Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện.

Theo báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam tháng 1/2024 do S&P Global công bố, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, cụ thể là 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng trước.

Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Đơn cử tỉnh Thái Nguyên, ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, khí thế sản xuất tại nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp để sản xuất những đơn hàng đầu tiên của năm. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng mới, giá trị lớn. Điều này giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 1/2024 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023, kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá trong những tháng tới.

Coogn nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế
“Sức khỏe” các ngành sản xuất của Việt Nam đã cải thiện? Ảnh minh họa

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 của tỉnh ước tăng 4,52% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,66%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 3,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,29%.

Hay với một số địa phương, so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tăng cao, trong đó có sự đóng góp lớn của ngành công nghiệp chế biến chế tạo như Vĩnh Phúc tăng 31,99%; Bắc Giang tăng tới 57,63%, Phú Thọ tăng 38,8%...

Dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố gần đây cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đóng góp vào sự khởi đầu tích cực của ngành công nghiệp tháng đầu tiên của năm 2024 một trong những yếu tố quan trọng là đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp đã bắt đầu sôi động hơn. Ngành dệt may là một điển hình, bước sang năm 2024 đơn hàng sản xuất cho xuất khẩu của doanh nghiệp trong ngành đã bớt khó hơn, thậm chí một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã ký được đơn hàng mới cho 6 tháng đầu năm 2024.

Điều này đã giúp chỉ số sản xuất của ngành dệt may tháng 1/2024 khá khả quan, trong đó dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%. Sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%...

Tháng 1/2024 là lần đầu tiên ngành sản xuất ghi nhận tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng kể từ tháng 10/2023. Điều này cho thấy, sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã cải thiện”, báo cáo của S&P Global nhận định.

Cùng với đó, số lượng hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm trong tháng 1/2024. Mức giảm này khá lớn và mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Song vấn đề về sự chậm trễ trong khâu vận chuyển góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 1, dẫn đến sự suy giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng đầu tiên trong hơn một năm.

Trước những kết quả từ báo cáo, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence – ông Andrew Harker cho rằng, đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi chứng kiến những bước cải thiện tích cực của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng.

Sự khởi đầu của các ngành sản xuất trong tháng đầu tiên của năm 2024 được đánh giá tích cực, tuy nhiên ở góc độ doanh nghiệp, dấu hiệu này chưa chắc chắn. Nguyên do, các ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng nghĩa phụ thuộc vào biến động thị trường, trong khi đó diễn biến trên thị trường thế giới chưa thực sự ổn. Đặc biệt, xung đột tại khu vực Biển Đỏ được nhìn nhận có thể khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Do vậy, mỗi doanh nghiệp được khuyến cáo cần tiếp tục đầu tư thiết bị theo chiều sâu, sử dụng thiết bị tự động hóa, số hóa nhiều để sản xuất hàng trị giá cao, tập trung tăng năng suất lao động. Tham gia sâu và xây dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố trong thương mại, vận chuyển quốc tế và các vấn đề liên quan. Chuẩn bị kế hoạch phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu thời gian tác động và hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng.

Nguồn: Báo Công Thương