Ngành hàng lớn, nỗi lo lớn
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2023 đạt 11,45 tỷ USD, giảm 21,3% (tương ứng giảm 3,1 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Lũy kế đến hết 15/5/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 118,58 tỷ USD, giảm 12,8% (tương ứng giảm 17,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,47 tỷ USD; hàng dệt may giảm 2,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,88 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, trong danh sách này còn có giày dép (giảm 1,17 tỷ USD); sắt thép (giảm 0,8 tỷ USD); máy móc, thiết bị, phụ tùng (giảm 0,86 tỷ USD)…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều thị trường cắt giảm tiêu dùng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu.
Ngoài sụt giảm đơn hàng, giá hàng hóa đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng có mức giá xuất khẩu giảm sâu tới 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá hạt tiêu giảm 34,3%, giá cao su giảm 21,2%, giá dầu thô giảm 15,9%, giá sắt thép giảm 25,2%...
Đóng góp 45 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái, nhưng trong gần 5 tháng qua, dệt may, xơ sợi, vải, nguyên liệu giảm 19 - 38% so với cùng kỳ (tương ứng giảm trên 3 tỷ USD), mà tín hiệu thị trường vẫn rất ảm đạm.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: “Tình hình sản xuất - kinh doanh quý II dự báo tiếp tục chiều hướng xấu, đơn hàng giảm, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc”.
Đồ gỗ cũng trong tình cảnh tương tự. Năm ngoái, ngành này đóng góp hơn 16 tỷ USD, nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu, phải cho công nhân nghỉ việc.
Một doanh nghiệp gỗ tại Bình Định chia sẻ: “Đơn hàng giảm 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu ở thị trường Mỹ - thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của Công ty. Chúng tôi buộc phải giảm giờ làm và cho 30% lao động tạm nghỉ việc”.
Tại Tọa đàm Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam - ASEAN 2023 tổ chức vào ngày 23/5, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, doanh nghiệp chế biến gỗ, mỹ nghệ nằm trong top khó khăn nhất hiện nay, với kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm chỉ đạt gần 3,9 tỷ USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023
Là nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ khi thương mại toàn cầu chậm lại. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng mới bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… xuống thấp, nên phải sản xuất cầm chừng, gắng gượng giữ lao động, chờ khi thị trường ấm lên.
Nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng cầm cự. Vốn lưu động của các doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng do khách hàng chậm thanh toán, hoặc đơn hàng đã hoàn thành nhưng khách hàng yêu cầu lùi thời điểm giao hàng, khiến lượng tồn kho tăng mạnh.
Theo kết quả cập nhật thông tin từ các nhà mua hàng tại thị trường chủ lực, đơn hàng xuất khẩu dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… còn tiếp tục giảm trong quý III, thậm chí tình trạng này còn kéo dài đến hết năm 2023.
Căn cứ diễn biến thị trường, ông Cao Hữu Hiếu lưu ý các đơn vị thành viên cần thông tin kịp thời đến người lao động về tình hình sản xuất - kinh doanh; bố trí sản xuất linh hoạt; hướng tới các đơn hàng nhỏ, nhưng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cao; cắt giảm các chi phí không cần thiết...
Với ngành gỗ, theo thông tin từ ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, đơn hàng cho các tháng tới ở mức thấp bởi nhu cầu thị trường yếu, chưa kể gỗ Việt xuất khẩu sang Mỹ còn đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 giảm 28 - 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu nhiều ngành hàng cũng khó lạc quan và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho cả năm tiếp tục là thách thức lớn.
Nguồn: Báo Đầu Tư