Xúc tiến thương mại để tìm khách hàng
Trước bài toán khó về thị trường tiêu thụ đang giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp để nỗ lực giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian, xoay sở tìm thị trường, giữ ổn định sản xuất.
Ông Lương Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Hải Bến Tre cho biết, để giữ khách hàng, giữ thị trường doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm. “Trong giai đoạn này nếu mất đơn hàng là mất khách hàng, mất thị trường. Do đó, công ty chấp nhận hạ giá thành, giảm lợi nhuận để lấy đơn hàng, duy trì hoạt động nhà máy, ổn định đời sống công nhân”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, với các đơn vị kinh doanh, để giữ chân khách hàng, công ty đã nhập đa dạng nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Bà Hoàng Thị Thu Hường - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phát triển thương mại Đại Thành - cho biết: Nếu trước đây công ty chỉ tập trung vào các sản phẩm như giấy phục vụ ngành may mặc, giấy vệ sinh thì nay phải nhập cả giấy làm bao bì, giấy làm nông sản... Cùng với đa dạng sản phẩm, đơn vị cũng tích cực hơn trong việc mở rộng khách hàng. Chính vì vậy, những tháng đầu năm trong khi sản lượng bình quân/khách hàng giảm song tổng sản lượng doanh nghiệp bán ra vẫn được duy trì.
Theo ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, giấy là ngành sản xuất đặc thù nên bản thân doanh nghiệp, hiệp hội phải tích cực trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng.
Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa, trong khi thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp cần hướng đến việc tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Cũng theo ông Sơn, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội đang tham khảo ý kiến của doanh nghiệp để cùng doanh nghiệp tìm các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, Cu Ba. Đó là những thị trường trước kia doanh nghiệp đã xuất khẩu nhưng doanh nghiệp không chú trọng tới số lượng, thì giờ phải chú trọng hơn về kim ngạch.
Đồng thời, xem lại các FTA song phương, đa phương. Trên cơ sở đó phân tích và tìm kiếm khách hàng mới. "Dù điều này không dễ dàng vì châu Á hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ giấy và bột giấy lớn nhất thế giới nên việc tìm thị trường sang các nước trên là cả một vấn đề", ông Sơn nói. Trước kia chúng ta là nước tiêu thụ sản phẩm giấy của Indonesia, Thái Lan, Malaysia, châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nay lại tìm cách xuất ngược sang họ thì đúng là bài toán khó.
“Hiệp hội xác định nhiệm vụ lớn trong 2023 là giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới do hiện nay chúng ta đang tập trung vào 3 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Vì vậy VPPA đang tiếp cận thị trường ngách bằng cách làm việc với Thương vụ Việt Nam tại các nước như châu Mỹ, Trung Đông và thông qua các Hiệp hội hàng tiêu dùng, Hiệp hội bán buôn bán lẻ ở các nước sở tại để kết nối cho doanh nghiệp”.
Trong dài hạn, ông Sơn cho rằng, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư sản xuất bột giấy từ nguyên liệu trong nước với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường. Sớm giải quyết sự mất cân đối trong đầu tư sản xuất, khuyến khích mở rộng về quy mô, hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo…
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng ở các thị trường khó tính, giải quyết bài toán đầu ra trong bối cảnh khó khăn hiện nay |
Chú trọng đầu tư theo hướng “xanh”
Cùng với việc xúc tiến thương mại, nhiều chuyên gia cho rằng ngành giấy cần chú trọng tới các yếu tố xanh khi đầu tư. Bởi yêu cầu về “xanh hóa” quy trình sản xuất và sản phẩm không chỉ được đặt ra bởi khách hàng ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… mà còn bởi khách hàng ở ASEAN cũng như người tiêu dùng ngay tại thị trường nội địa. “Xu hướng hiện nay, các khách hàng, thị trường đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng”- ông Đặng Văn Sơn cho biết.
Thực tế, đáp ứng xu thế xanh của thế giới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và luôn cập nhật công nghệ xử lý mới, bắt kịp xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường. Chẳng hạn Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre đã chủ động nâng cấp, bảo dưỡng máy móc, thiết bị và cải tạo hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp này chỉ tập trung đầu tư vào sản xuất giấy bao bì công nghiệp và thùng carton; đồng thời thường xuyên xem xét việc nâng cấp, cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải,… Chính điều này đã giúp công ty luôn duy trì được khách hàng lớn trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm hiện nay.
Tương tự, tại Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), ban lãnh đạo VINAPACO xác định sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức trong năm 2023 khi nhiều nhà máy sản xuất giấy trên thế giới đi vào hoạt động trong khi nhu cầu yếu sẽ khiến giá bột giấy có xu hướng giảm. Vì thế, doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các hệ thống máy móc thiết bị của Nhà máy Giấy Bãi Bằng, dự án cải tạo lò hơi động lực tại Nhà máy Điện và Công ty giấy Tissue Sông Đuống để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, VINAPACO sẽ thực hiện đầu tư hoặc liên doanh liên kết với các đơn vị bên ngoài để đầu tư các hệ thống thiết bị sản xuất dăm mảnh để xuất khẩu cho các đối tác Nhật Bản sau khi hợp đồng mua bán dăm được ký kết.
Cũng để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu, nhà máy sản xuất bao bì của Tetra Pak tại Bình Dương đã đầu tư áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế, môi trường, giúp các sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt và chất lượng đồng nhất trong quá trình sản xuất vỏ hộp giấy tiệt trùng, không chỉ phục thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tại ASEAN, Australia và New Zealand.
“Thực tế chứng minh rất rõ, doanh nghiệp nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh càng ngày càng tốt hơn trên thương trường, cho nên xanh cũng trở thành động lực cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tồn tại, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì phải xanh hóa, phải là doanh nghiệp xanh, nếu không thì không thể tồn tại phát triển được”, ông Đặng Văn Sơn chia sẻ.
Bên cạnh các giải pháp trên, theo ông Sơn, ngành giấy có lợi thế là đầu vào là giấy tái chế, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc tái sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội như giảm khai thác tài nguyên, giảm đi việc chặt phá rừng. Sản xuất giấy từ giấy tái chế giúp giảm tiêu thụ năng lượng, chất thải rắn, nước thải và khí thải so với sản xuất từ giấy từ bột nguyên sinh. Vì vậy trong dài hạn cần khuyến khích việc thu gom tái chế giấy.
Nguồn: Báo Công Thương