Chủ nhật, 18/05/2025 | 04:16
Trọng tâm khai khoáng của Zambia là sản xuất đồng. Ảnh: TTXVN
Theo bài viết của Quỹ Khoa học và Chính trị Đức, Chính phủ Zambia hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng đối với nguồn nguyên liệu thô của quốc gia này. Ngành khai khoáng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng của Zambia. Hiện tại, ngành này đã trở thành xương sống của nền kinh tế quốc gia. Năm 2022, ngành khai khoáng chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu và 44% nguồn thu của Chính phủ Zambia.
Trọng tâm khai khoáng chính là sản xuất đồng. Theo kế hoạch của Chính phủ Zambia, sản lượng đồng sẽ tăng từ hơn 820.000 tấn vào năm 2024 lên 3 triệu tấn vào năm 2031. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng mục tiêu 1,5 triệu tấn là thực tế hơn. Đồng thời, việc khai thác các nguyên liệu thô quan trọng khác sẽ được đa dạng hóa để hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng và sản xuất pin điện. Mùa Thu năm 2024, Zambia đã công bố chiến lược khoáng sản quan trọng (CRM) đầu tiên nhằm tận dụng tốt hơn tiềm năng chưa được khai thác của các nguồn tài nguyên như mangan, nickel và lithium. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nguồn đầu tư đáng kể vào hoạt động thăm dò và phát triển các mỏ khai thác mới.
Để thu hút các nhà đầu tư, chính quyền Tổng thống Hichilema đang thúc đẩy an ninh đầu tư và ổn định chính trị. Đây là hai nội dung nổi bật tại hội nghị đầu tư vào ngành khai khoáng Zambia, diễn ra lần đầu tiên vào tháng 10/2024. Cùng với các kế hoạch cải cách của Zambia, một chương trình thăm dò mới đã được công bố với nguồn tài trợ 98 triệu USD từ ngân sách quốc gia.
Để hỗ trợ kế hoạch mở rộng ngành khai khoáng, Zambia cũng phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong ngành năng lượng. Hơn 80% điện năng của nước này đến từ thủy điện - nguồn cung dễ bị ảnh hưởng do hạn hán. Thực tế, hoạt động khai khoáng và chế biến đồng đã bị ảnh hưởng đáng kể do nguồn cung điện không ổn định. Tuy nhiên, hoạt động chế biến quặng sơ cấp vẫn tiếp tục diễn ra trong nước.
Năm 2023, Zambia đã sản xuất khoảng 637.000 tấn đồng không tinh khiết và 199.000 tấn đồng có độ tinh khiết cao. Nguồn cung cấp năng lượng cũng dần được ổn định thông qua việc nhập khẩu điện. Trong tương lai, điện than và năng lượng Mặt trời dự kiến sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định hơn.
Cơ sở hạ tầng giao thông cũng đang trở thành một trọng tâm chiến lược khác. Zambia đã đảm bảo được sự hỗ trợ kinh phí cho hai dự án đường sắt lớn là dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt TAZARA đến Tanzania (với sự hỗ trợ từ Trung Quốc) và tuyến đường sắt Zambia đến Hành lang Lobito, được lên kế hoạch nhằm tăng cường kết nối đến Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ.
* Kế hoạch cải cách và kiểm soát nhà nước
Để đạt được các kế hoạch mở rộng lĩnh vực khai thác nguyên liệu thô, Zambia phụ thuộc vào vốn đầu tư tư nhân. Chính phủ nước này cũng đang cố gắng cân bằng giữa lợi ích công và tư: vừa nỗ lực gia tăng sự kiểm soát của nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản để đảm bảo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy việc tạo ra giá trị tại địa phương, vừa không làm khu vực tư nhân lo ngại.
Các cải cách theo kế hoạch của Chính phủ Zambia nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ xã hội dân sự. Tuy nhiên, Phòng Thương mại mỏ Zambia - đại diện cho các công ty khai khoáng tư nhân - đã cảnh báo về sự không chắc chắn của các quy định, điều có thể làm ảnh hưởng đến thiện chí đầu tư tại quốc gia này.
Cuộc tranh luận tập trung vào một số sáng kiến lập pháp, bao gồm Đạo luật Ủy ban quản lý khoáng sản, được thông qua vào tháng 12/2024, trong đó quy định thành lập một ủy ban mới để quản lý và giám sát ngành khai khoáng. Chính phủ muốn đóng vai trò tích cực hơn trong hoạt động giao dịch kim loại. Để đạt mục tiêu này, Tổng công ty phát triển công nghiệp Zambia đã thành lập một liên doanh với công ty Mercuria của Thụy Sĩ.
* Tính bền vững trong khai thác
Một trong những vấn đề chính trong ngành khai khoáng là đảm bảo tính bền vững cho môi trường và thiết lập tiêu chuẩn khai thác. Cho đến nay, ngành khai khoáng của Zambia vẫn tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng từ quá khứ, trong đó chủ yếu là thiệt hại về môi trường.
Mặc dù luật pháp Zambia yêu cầu đánh giá tác động đến môi trường và xã hội của các dự án khai thác, nhưng việc thực hiện yêu cầu này trong suốt vòng đời dự án cũng như công tác giám sát bị chỉ trích là không đầy đủ và rất hạn chế, đặc biệt là liên quan đến khâu đóng cửa các mỏ đã khai thác hết và quản lý chất thải.
Nguồn: BNews
Diễn đàn 'Chuyển đổi số và Công nghiệp thông minh' không chỉ là màn trình diễn của những công nghệ mới, mà là chìa khóa mở ra cơ hội chuyển mình cho các doanh nghiệp ngành vốn chỉ quen với bụi mỏ, đá núi...
17/05/2025