Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Chủ nhật, 18/05/2025 | 03:30

Công nghiệp chế tạo

Châu Âu nới lỏng thời hạn đạt mục tiêu giảm khí thải CO2 cho các hãng xe

17/05/2025
Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra quyết định nới lỏng thời hạn đạt mục tiêu giảm khí thải CO2 cho các nhà sản xuất ô tô.
Thay vì phải tuân thủ nghiêm ngặt mục tiêu giảm khí thải CO2 đã định cho năm 2025, các công ty ô tô sẽ có thêm thời gian để đạt được mức giảm phát thải trung bình trên toàn đội xe của họ.
Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra quyết định nới lỏng thời hạn đạt mục tiêu giảm khí thải CO2 cho các nhà sản xuất ô tô. Ảnh: Motor1.

Theo thông báo mới nhất, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc cho phép các nhà sản xuất ô tô tính trung bình lượng khí thải để đạt mục tiêu của họ trong giai đoạn ba năm từ 2025 đến 2027, thay vì chỉ giới hạn trong năm 2025. Quyết định này được thông qua với 458 phiếu thuận, 101 phiếu chống và 14 phiếu trắng, phản ánh sự đồng thuận tương đối về việc điều chỉnh lộ trình chuyển đổi xanh cho ngành công nghiệp ô tô.

Trước đó, năm 2025 đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn áp dụng mục tiêu giảm 15% lượng khí thải CO₂ trung bình so với giai đoạn 2020-2024, yêu cầu các hãng xe phải đạt mức trung bình khoảng 93,6 g/km. Việc nới lỏng thời hạn cho phép các nhà sản xuất có thêm dư địa để điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xe điện còn nhiều biến động và thách thức về chuỗi cung ứng.

Lộ trình giảm phát thải khí CO2 của EU vẫn sẽ tiếp tục thắt chặt. Từ năm 2030, mục tiêu giảm khí thải CO2 trung bình toàn đội xe sẽ là 49,5 g/km. Mặc dù về mặt lý thuyết, động cơ đốt trong sử dụng xăng và dầu diesel sẽ không bị cấm hoàn toàn vào giữa thập kỷ tới, nhưng trừ khi các công nghệ nhiên liệu tổng hợp (e-fuels) hoặc động cơ đốt trong sử dụng hydro có những bước phát triển vượt bậc và trở nên khả thi trên quy mô lớn, xe mới sử dụng động cơ đốt trong truyền thống gần như sẽ không còn chỗ đứng tại 27 quốc gia thành viên EU sau năm 2035.

Đối mặt với áp lực lớn từ các mục tiêu ban đầu, quyết định nới lỏng thời hạn được xem là "phao cứu sinh" cho nhiều hãng xe.

Quy định về khí thải hoạt động dựa trên nguyên tắc trung bình toàn đội xe. Điều này có nghĩa là các hãng vẫn có thể sản xuất và bán các mẫu xe phát khí thải CO2 cao (như xe sang với động cơ dung tích lớn), miễn là lượng khí thải trung bình của toàn bộ xe bán ra được kéo giảm đáng kể bởi doanh số của các mẫu xe phát thải thấp hoặc không phát thải, đặc biệt là xe hybrid cắm điện (PHEV) và xe thuần điện (EV).

Tuy nhiên, những nhà sản xuất chưa có danh mục xe điện đủ mạnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điển hình là Mazda đã phải ngừng bán phiên bản động cơ 2.0 lít của mẫu xe thể thao MX-5 Miata tại châu Âu, chỉ giữ lại phiên bản 1.5 lít nhỏ hơn để giảm phát thải trung bình.

Thêm vào thách thức từ quy định khí thải CO2 là sự gia tăng mạnh mẽ của thuế đánh vào xe ô tô phát thải cao tại một số quốc gia châu Âu trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh quy định ngày càng ngặt nghèo, các nhà sản xuất buộc phải tìm kiếm những giải pháp công nghệ để cân bằng giữa hiệu suất và môi trường.

Quyết định nới lỏng thời hạn đối với mục tiêu giảm khí thải CO2 của EU cho phép các hãng xe có thêm thời gian quý báu để đẩy nhanh quá trình điện hóa và điều chỉnh chiến lược sản phẩm, giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các khoản phạt tài chính khổng lồ, đồng thời vẫn giữ vững lộ trình chuyển đổi xanh dài hạn cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu.

Nguồn: Báo Pháp luật