Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Chủ nhật, 18/05/2025 | 02:48

KHCN – Hợp tác quốc tế

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số - Đột phá thể chế cho các công nghệ mới nổi

17/05/2025
Việt Nam đang bước vào giai đoạn then chốt trong hành trình chuyển đổi số. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được xem là bước đi chiến lược nhằm kiến tạo khung pháp lý đồng bộ cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số, tạo nền tảng cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào xu thế công nghệ toàn cầu.

Các công nghệ mới nổi đang định hình lại cách thức vận hành của các ngành công nghiệp tại Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Tập trung thúc đẩy trí tuệ nhân tạo

Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G và nền tảng mở Open Gateway không chỉ định hình lại cách thức vận hành của các ngành công nghiệp, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công và thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số do Hiệp hội Di động toàn cầu, vấn đề đáng quan tâm hàng đầu là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của những thế hệ công nghệ mới nổi?

Trong bối cảnh ấy, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã thể chế hóa các chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các nội dung cốt lõi gồm: Cơ chế ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển hạ tầng số dùng chung; Khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đào tạo nhân tài và thử nghiệm công nghệ có kiểm soát… Một điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật là việc chính thức đưa AI vào nội dung điều chỉnh của pháp luật. AI được xác định là công cụ đột phá nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo Luật khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào thực tiễn; đồng thời chú trọng quản lý rủi ro, lấy con người làm trung tâm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung về chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI nhằm thúc đẩy ứng dụng hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm trong các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và còn chưa có nhiều mô hình pháp lý hoàn chỉnh trên thế giới. Vì vậy, dự thảo đã lựa chọn hướng tiếp cận nguyên tắc “mềm dẻo” quy định khung trong luật, đồng thời Chính phủ sẽ ban hành các quy định chi tiết phù hợp thực tiễn. Điển hình, dự thảo quy định quản lý riêng đối với các hệ thống AI có rủi ro cao, tác động lớn, trong khi không đặt yêu cầu quản lý đối với các hệ thống AI có rủi ro thấp. Chính phủ sẽ quy định chi tiết để phù hợp với đặc thù từng ngành, lĩnh vực.

Đáng chú ý, về quyền sở hữu trí tuệ đối với AI, pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định quyền sở hữu trí tuệ chỉ thuộc về tổ chức, cá nhân là con người - người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, sáng chế, do đó chưa áp dụng đối với sản phẩm do AI tự tạo ra. Hiện nay, vấn đề này vẫn đang được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và nhiều quốc gia nghiên cứu, chưa được luật hóa hoặc đưa vào các công ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ chỉ đạo xem xét, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào thời điểm phù hợp.

Khai thác tối đa tiềm năng của các công nghệ mới nổi

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 30 quốc gia số hàng đầu thế giới vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chương trình đề ra nhiều nhiệm vụ trọng điểm như: phủ sóng 5G và cáp quang toàn quốc, phát triển trên 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và xây dựng lực lượng 1,5 triệu lao động có kỹ năng công nghệ số. Việc định hình lại các ngành công nghiệp và dịch vụ công dựa trên nền tảng công nghệ mới nổi không chỉ là xu hướng, mà còn là bước đi chiến lược nhằm đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi.

Dự án Luật xác lập rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số. Cơ chế này bao gồm các quy định về nguyên tắc triển khai, tiêu chí lựa chọn, thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý, quyền lợi của người dùng và miễn trừ trách nhiệm đối với các rủi ro khách quan trong thử nghiệm. Để bảo đảm tính đồng bộ pháp luật, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&CN nghiên cứu khả năng quy định khung cơ chế sandbox tại Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, từ đó Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực.

Như vậy, Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là một đạo luật chuyên ngành, mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy thể chế cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng được nền tảng pháp lý chủ động, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển vững chắc, hội nhập sâu rộng và góp phần tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Nguồn: Báo Pháp luật