Đây là khẳng định của ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng như hiệu quả của các chính sách này chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Thực tế đúng là tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình của nhà nước khá thấp (17%). Nguyên nhân của việc này có thể từ phía doanh nghiệp hoặc do chính sách chưa khả thi.Thứ nhất, có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các chính sách liên quan nên chưa tận dụng được những chương trình hỗ trợ của Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối với khách hàng, mở rộng quy mô thị trường.
Thứ hai, độ bao phủ của các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau dẫn đến thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai. Trong khi đó, các thủ tục hành chính lại phức tạp. Nhiều chính sách chỉ được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ nhưng không được thể chế hóa để có thể đi vào cuộc sống. Một số chính sách về ưu đãi, tín dụng mặc dù đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nhưng dưới dạng Nghị định, dẫn tới chịu sự chi phối của các Luật chuyên ngành liên quan hiện hành khác.
Thứ ba, vai trò của các địa phương trong việc phổ biến, thực thi các chính sách phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của chính quyền, trung ương còn khá thụ động.
Theo ông, địa phương có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển?
Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp quốc gia, tuy nhiên, các địa phương còn rất thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ. Phần lớn các địa phương không xây dựng các tiêu chí, hành động cụ thể và không bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng của Việt Nam |
Theo tôi, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương không thể làm thay các địa phương trong việc triển khai thực thi các chính sách phát triển công nghiệp. Do đó, nếu không xây dựng một hệ thống thể chế phát triển công nghiệp thống nhất, hiệu lực, hiệu quả từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò chủ động, tích cực của các địa phương, việc thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng sẽ có nguy cơ thất bại.
Tôi lấy một ví dụ, từ năm 2018, Cục Công nghiệp và Samsung Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc cải tiến sản xuất và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tính đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 4.840 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ôtô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, trung bình một năm Cục Công nghiệp chỉ có thể tiến hành hỗ trợ, tư vấn khoảng 100 doanh nghiệp trên cả nước. Như vậy, phải mất ít nhất hơn 48 năm để Cục Công nghiệp có thể tư vấn, hỗ trợ hết 4.840 doanh nghiệp nêu trên.
Chưa kể đến, cải tiến là một quá trình liên tục, các doanh nghiệp cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để duy trì và phát triển các thành quả, triển khai hệ thống quản lý chất lượng chuyên nghiệp. Ví dụ này có thể cho thấy, để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp , sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng và thiết thực. Đây cũng là định hướng của Cục Công nghiệp khi triển khai các chương trình cải tiến thí điểm trong thời gian vừa qua. Trung ương đi trước, xây dựng mô hình mẫu để từ đó các địa phương có thể tham khảo, triển khai cải tiến và đổi mới một cách hiệu quả.
Xin ông cho biết đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam?
Phần lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế về ưu đãi đầu tư, chi phí lao động thấp, tiếp cận mặt bằng sản xuất và cơ hội tiếp cận thị trường nhờ các FTA nên các doanh nghiệp này không chú trọng đến việc xây dựng, hình thành chuỗi cung ứng trong nước, kết nối với doanh nghiệp trong nước. Điều này dẫn tới tình trạng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng “một quốc gia, hai nền kinh tế”.
Hiện nay, với sự tăng lên của thu nhập bình quân đầu người, những lợi thế của Việt Nam về lao động chi phí thấp cùng các ưu đãi không còn sức hấp dẫn, có thể giữ chân các doanh nghiệp FDI lớn buộc phải có những chính sách đột phá, xây dựng mô hình hợp tác, liên kết bền vững giữa Chính phủ - doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức mang tính cốt lõi. Đó là những giải pháp về kết nối kinh doanh, thông tin thị trường, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực… Những giải pháp vì mục tiêu dài hạn này cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững. Qua đó, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực sự chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể phát triển vươn ra thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, nỗ lực tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, cũng như trang bị, tiếp nhận những công nghệ mới, những phương thức quản lý sáng tạo… để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao.
Doanh nghiệp FDI tiếp tục tích cực đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ lao động, chuyển giao công nghệ,… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng dài hạn, bền bỉ.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để giúp cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng của Việt Nam trong tương lai. Việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã tạo cơ hội cụ thể nào đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Dệt may, da giày, điện tử, ôtô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Trong năm 2023, cần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp ngành công nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.
Báo Công Thương