Tập đoàn Than và khoáng sản đạt doanh thu kỷ lục 7 tỷ USD

Chi phí sản xuất tăng do biến động đầu vào nhưng nhờ giá than cao, TKV vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập, gần 166.000 tỷ đồng và lợi nhuận 8.100 tỷ. Thông tin này được lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) nêu tại hội nghị tổng kết hôm nay.

Theo TKV, giá nhiên, vật liệu đầu vào như xăng dầu, sắt thép, một số loại vật tư phải nhập khẩu... tăng cao trong năm ngoái khiến chi phí sản xuất của tập đoàn tăng khoảng 3.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, nhờ sản lượng than tiêu thụ tăng hơn 3 triệu tấn, đạt 46,5 triệu tấn so với 2021 và giá than tăng... giúp TKV ghi nhận doanh thu 165.900 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, hơn 61% là doanh thu từ than, với 101.600 tỷ đồng; khoáng sản 24.700 tỷ đồng; sản xuất và bán điện 10.200 tỷ; còn lại là khoản thu từ cơ khí, vật liệu nổ và các lĩnh vực khác khoảng 29.300 tỷ đồng.

Lợi nhuận năm 2022 của "ông lớn" ngành than đạt 8.100 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ so với kế hoạch và nộp ngân sách 21.350 tỷ đồng. Các hệ số tài chính được cải thiện, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu 1,58 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 17,2%...

2022 cũng là năm ghi nhận mức tiền lương bình quân người lao động ngành than tăng hơn 21% so với kế hoạch, ước đạt 16,5 triệu đồng một người một tháng, tăng hơn 13% so với 2021. Trong đó, thu nhập lao động sản xuất than gần 18 triệu đồng một người một tháng, tăng 18% so với năm trước đó.

Khai thác than tại Quảng Ninh. Ảnh: TKV

Khai thác than tại Quảng Ninh. Ảnh: TKV

Tuy nhiên, theo lãnh đạo TKV, nhu cầu than trong nước tăng cao do giá nhập khẩu ở mức kỷ lục, đã tạo ra áp lực lớn đến sản xuất, cung ứng than. Trong khi việc xin cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác than, khoáng sản bị vướng mắc bởi quy hoạch, cơ chế... Điều này đã hạn chế năng lực sản xuất và giá than cho sản xuất điện chưa được tăng từ tháng 3/2019 dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.

Trong quản lý, điều hành mua sắm vật tư thiết bị tại một số công ty con (Công ty Nhiệt điện Đông Triều và Công ty Nhiệt điện Sơn Động, Công ty Nhôm Lâm Đồng...) còn sai phạm. Năm ngoái, Ban thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và một số lãnh đạo cấp cao bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách.

Năm nay, "ông lớn" ngành than đặt mục tiêu doanh thu gần 169.000 tỷ đồng, tăng 2% so với 2022; lợi nhuận 5.000 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu doanh thu từ sản xuất than 105.640 tỷ, khoáng sản hơn 23.600 tỷ; điện gần 11.500 tỷ, còn lại là cơ khí, vật liệu nổ và lĩnh vực khác.

TKV đặt mục tiêu tiêu thụ 46,5 triệu tấn than, trong đó 97% tiêu thụ trong nước (45,12 triệu tấn), xuất khẩu 3% (gần 1,4 triệu tấn).

Than nguyên khai sản xuất gần 39,2 triệu tấn; than sạch sản xuất hơn 38,7 triệu tấn và nhập khẩu 9,2 triệu tấn.

Theo VNExpress