"Nửa đầu tháng 4, xuất khẩu tiếp tục ảm đạm, đạt 13,23 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, với 34/35 mặt hàng chính tăng trưởng âm", số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ghi nhận.
Lũy kế đến ngày 15/4, xuất khẩu cả nước đạt 92,5 tỷ USD, trong khi cùng kỳ đạt hơn 104 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%, tương đương mức giảm gần 11 tỷ USD, trong đó có 34/45 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Khách hàng EU, Mỹ, Nhật Bản...đều giảm đặt hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam là nguyên nhân chính khiến các ngành hàng xuất khẩu kể trên bị sụt giảm mạnh.
Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong quý I năm 2023 giảm 10,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn trong quý I/2022 và quý I/2023. |
Trong đó, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,87 tỷ USD; dệt may giảm 1,54 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,23 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 1,21 tỷ USD; giày dép các loại giảm 969 triệu USD; thủy sản giảm 685 triệu USD; sắt thép các loại giảm 572 triệu USD; xơ sợi dệt các loại giảm 506 triệu USD.
Tính chung, trị giá xuất khẩu của 8 nhóm hàng này giảm tới 8,58 tỷ USD, bằng 81% mức giảm trị giá xuất khẩu của cả nước.
Chỉ một số ít nhóm hàng xuất khẩu tăng, như gạo tăng 251 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 239 triệu USD; hàng rau quả tăng 137 triệu USD....
Lúc này, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tại nhiều địa phương vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Sở Công thương Bắc Kạn
cho biết, trong số 5 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại KCN Thanh Bình, có 2 doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang Mỹ, đơn hàng bị cắt giảm lớn, cá biệt có những đơn hàng đã giao đến cảng đích nhưng khách hàng từ chối vì nếu nhận hàng sẽ phải nộp thuế cao gấp nhiều lần.vào thị trường này.
Nguyên nhân là do Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam có nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nên các khách hàng không thể mua hàng của 2 doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp hiện chỉ duy trì công suất sản xuất khoảng 20-30% so với trước đây, chủ yếu là để giữ chân người lao động.
Tại tỉnh Bình Định, các ngành hàng xuất khẩu chính cũng gặp cảnh khó tương tự. Quý đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 360 triệu USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 50 triệu USD) so với cùng kỳ. Xuất khẩu số mặt hàng chủ lực của Bình Định giảm mạnh như: hàng thủy sản giảm 36%; gạo giảm 65%; sản phẩm gỗ giảm 30,7%.
Việc Trung Quốc tăng nhập hàng hóa từ Việt Nam đang tạo điều kiện để các ngành hàng đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là với nhóm hàng nông thủy sản. Sở Công thương Lào Cai đề nghị các bộ, ngành đẩy mạnh việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với các loại nông sản, trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm tỷ lệ phải kiểm tra khi thông quan nhập khẩu vào hị trường Trung Quốc nhằm giảm thời gian và chi phí thông quan hàng hoá.
Nguồn: Báo Đầu Tư