Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thấp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong tổng số 5.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khoảng 500 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn toàn cầu |
Đánh giá về tỷ lệ này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng: 5.000 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trên tổng số 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tính ra số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chiếm tỷ lệ quá thấp.
Đặc biệt, trong tổng số 5.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn toàn cầu.
“Như vậy, sau gần 40 năm đổi mới (1986-2024), tỷ lệ doanh nghiệp thực sự trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp. Qua đó cho thấy, trình độ phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay của Việt Nam là rất cấp bách, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra rất nhanh hiện nay” – ông Lê Duy Bình thông tin.
Tuy nhiên, việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh, doanh nghiệp Việt Nam chiếm hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu và thiếu về vốn, công nghệ, quản trị… trong khi đó, đòi hỏi của các tập đoàn đa quốc gia lại vô cùng khắc khe.
“Các doanh nghiệp đầu chuỗi họ đòi hỏi cao về phương diện kỹ thuật, quản trị và thời gian giao hàng. Như vậy, tập đoàn toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thiết lập một hệ thống công nghệ, đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm, quản trị, quản trị doanh nghiệp, yêu cầu về mặt lao động và điều kiện về môi trường vệ sinh lao động… đây không phải là điều mà doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được” – chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khẳng định.
Việt Nam thu hút được 15,19 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI trong 6 tháng đầu năm |
Doanh nghiệp cần những giải pháp hỗ trợ hiệu quả
Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn. Nhất là trong bối cảnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực và thế giới, rất nhiều tập đoàn điện tử lớn nằm trong Top 500 toàn cầu đã đầu tư và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, trong số đó phải kể đến những cái tên nổi bật như: Samsung, LG, Canon…
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 15,19 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện ước đạt gần 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách, tuy nhiên, cơ hội tiếp cận của doanh nghiệp không nhiều. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ, trong đó những rào cản đối với doanh nghiệp là về mặt thể chế, chính sách, thủ tục hành chính, chi phí đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…
Theo đó, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, nhà nước cần đổi mới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cần cải thiện về mặt thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ, thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển. Có chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định Thương mại tự do, nhu cầu thị trường và nhu cầu người tiêu dùng đang ngày càng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng phải đẩy nhanh quá trình xanh hóa quy trình sản xuất.
Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ nâng cao vị thế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao khả năng đóng góp của ngành công nghiệp, mà còn nâng cao vị thế của nền kinh tế quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Theo đó, bên cạnh hoàn thiện chính sách, hoàn thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng, Việt Nam cũng cần thay đổi cách tiếp cận khi ban hành các chính sách hỗ trợ. Làm sao để các chính sách hỗ trợ vừa đúng, vừa trúng và phát huy hiệu quả cao nhất.
Nguồn: Báo Công Thương