Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nhỏ sợ mất cơ hội vì thiếu vốn

Thiếu vốn được xem là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang phải đối mặt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đau đầu tìm lời giải cho "bài toán vốn"

Chia sẻ tại Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 diễn ra mới đây, ông Lưu Văn Đại – Giám đốc Công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam – một đơn vị chuyên xử lý nhiệt các sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy và chi tiết máy cho biết: Làm thế nào để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn là một bài toán mà nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang “đau đầu” đi tìm lời giải. Bởi doanh nghiệp nhìn thấy rất nhiều cơ hội, nhưng không có vốn nên không dám đầu tư và cũng không có khả năng để đầu tư.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nhỏ lo mất cơ hội vì thiếu vốn
Sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí, đó là chất lượng và giá thành. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Cũng theo ông Lưu Văn Đại, sản phẩm mà doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí, đó là chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tối ưu để giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Trung Quốc là một "vương quốc giá rẻ", nhưng nói về sản phẩm vào chuỗi thì ngay cả giá mà các công ty Nhật Bản bán ra cũng rất hợp lý. Điều này ít nhiều liên quan đến công nghệ mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang áp dụng.

Ông Lưu Văn Đại cho rằng, công nghệ tiên tiến, sẽ tối ưu hoá sản xuất, tạo ra những dòng sản phẩm có chất lượng tốt, và giá thành hợp lý. Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới hay đi học công nghệ tiên tiến không phải chuyện khó của doanh nghiệp Việt Nam.

“Nhưng vốn lại là vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang rất yếu” – ông Lưu Văn Đại khẳng định và cho biết, để đầu tư công nghệ mới cần rất nhiều tiền, một doanh nghiệp nhỏ thì rất khó có đủ tiềm lực tài chính đầu tư những công nghệ hiện đại, những doanh nghiệp startup thì càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận công nghệ này.

Vốn tự có của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thực sự rất khó đủ để đầu tư công nghệ mới. Vay vốn ngân hàng thì lại có rất nhiều rào cản bởi không chỉ phải chịu mức lãi suất cao, doanh nghiệp còn phải có tài sản thế chấp.

“Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và startup thì lấy đâu ra tài sản thế chấp? Vậy thì liệu có bao nhiêu doanh nghiệp dám đầu tư công nghệ mới?” - ông Lưu Văn Đại đặt câu hỏi và cho biết, lãi suất vay ngân hàng cao thì giá bán của doanh nghiệp cũng phải cao, nên doanh nghiệp nội địa mất đi tính cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nhỏ lo mất cơ hội vì thiếu vốn
Doanh nghiệp mong nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh minh hoạ)

Cần chính sách hỗ trợ của nhà nước

Thực tế, đã có nhiều chính sách của Chính phủ về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này rất tốt, rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản khi tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, hoặc có tiếp cận được thì tốn kém rất nhiều chi phí về thời gian và cơ hội của doanh nghiệp.

Bên cạnh thách thức về vốn, một vấn đề nữa mà doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cũng đang phải đối mặt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đó là vấn đề liên quan đến chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, theo ông Lưu Văn Đại, doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi thì kinh doanh phải có lãi, muốn vay ngân hàng hay tiếp cận vốn thì phải có hiệu quả kinh doanh tốt, mà lãi thì phải đóng thuế thu nhập.

Để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, CEO Metal Heat Việt Nam đề nghị, nhà nước cần nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp cơ khí như: Miễn giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Cùng với đó, đại diện Metal Heat cũng đề xuất Chính phủ phân công các đầu mối giám sát các chuỗi sản xuất, cập nhật thông tin cho doanh nghiệp trong nước về các yêu cầu lựa chọn nhà cung cấp linh kiện, sản xuất phụ trợ để doanh nghệp nhỏ và vừa đăng ký tham gia chuỗi sản xuất.

Đồng thời, có cơ chế, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thường xuyên tổ chức các hội nghị nối doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, thông qua các sự kiện này có thể cung cấp những sản phẩm linh kiện tập đoàn nước ngoài đang có nhu cầu cũng như các sản phẩm doanh nghiệp phụ trợ sản xuất được để người mua và người bán có thể tìm thấy nhau và kết nối hợp tác.

 

Nguồn: Báo Công Thương