Nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ: Làm sao để cung đáp ứng cầu?

Sự kết nối, hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp sẽ là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung - cầu về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nhà giáo ưu tú. TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (gọi tắt là HHT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.

Ông có thể chia sẻ về công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ của nhà trường trong thời gian vừa qua?

Từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay, HHT có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, đặc biệt, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp FDI.

nhà trường thực hiện chủ trương vừa học, vừa hành

Sinh viên tại HHT được thực hành ngay tại lớp sau khi học lý thuyết

Để đáp ứng nhu cầu này, hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.500 - 2.000 sinh viên với các ngành nghề mà thị trường và doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cao.

Để đảm bảo chất lượng cũng như tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà trường thực hiện chủ trương vừa học, vừa hành. Theo đó, sinh viên học đến đâu sẽ được thực hành luôn đến đấy. Vừa học, vừa nghiên cứu sản xuất để làm ra các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Các sản phẩm này vừa phục vụ cho công tác đào tạo, vừa cung cấp cho thị trường để hướng tới nâng cao được kiến thức, kỹ năng của người học.

Với phương pháp này, sinh viên của chúng tôi khi ra trường đều có việc làm. Tinh thần, ý thức, thái độ của sinh viên nhà trường khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá rất cao. Có những doanh nghiệp tuyển dụng tới 70 - 80% là sinh viên của HHT.

Nhiều sinh viên cũng đã khởi nghiệp thành công, tự tạo ra việc làm cho mình, cũng như tạo ra nhiều việc làm cho nhiều người khác.

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội đào tạo cũng như sức hút lực lượng lao động của ngành công nghiệp hỗ trợ?

Chính phủ đã có các văn bản nhằm giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển. Nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Nhà giáo ưu tú. TS. Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (gọi tắt là HHT)
Nhà giáo ưu tú. TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội

Như vậy, nhu cầu nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp này ngày càng cao. Trong bối cảnh như vậy, cần có sự thay đổi từ chính các cơ sở đào tạo. Làm thế nào nguồn nhân lực mình đào tạo ra phải đáp ứng yêu cầu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành nghề công nghệ cao như điện - điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, IoT (Internet of Things - Internet vạn vật),…

HHT đang hướng tới mục tiêu như vậy. Hiện chúng tôi đăng ký hợp tác, đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp FDI của Đài Loan, Nhật Bản,… nói riêng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói chung.

Hiện đang có sự kết hợp đào tạo ngắn hạn giữa nhà trường và doanh nghiệp dành cho lực lượng lao động của họ. Việc này đang được HHT triển khai ra sao, kế hoạch trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, trong mô hình đào tạo của nhà trường, ngoài các chương trình đào tạo chung, chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng. Các khóa đào tạo này chúng tôi thường phối hợp rất chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp.

Ví dụ, hiện nay chúng tôi đã và đang thực hiện hợp tác với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội để đào tạo nâng cao kỹ năng, kỹ thuật, tư vấn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi thường xuyên, liên tục, việc cập nhật đào tạo, nâng cao kiến thức kỹ năng cho người lao động sẽ là nhu cầu rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi đang có những kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn, thu thập nhu cầu, yêu cầu của các doanh nghiệp để xây dựng các chương trình, các khóa học đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn với nhà trường trong công tác đào tạo này.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện trong công tác đào tạo, nhà trường có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Chúng tôi có các mối quan hệ với các doanh nghiệp lớn trên thế giới và Việt Nam. Các doanh nghiệp và tập đoàn này rất muốn phối hợp với nhà trường để xây dựng trung tâm đào tạo.

Tại trung tâm này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở, trang thiết bị vật chất, đưa các chuyên gia giỏi tham gia với nhà trường từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên. Các doanh nghiệp cũng sẽ sử dụng luôn lực lượng lao động này để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, hiện nay, đang có một khó khăn trong hợp tác nhà trường và doanh nghiệp. Cụ thể, hiện các Bộ ngành, thành phố Hà Nội đang thiếu văn bản hướng dẫn, cho phép các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất vào nhà trường cũng như sự phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp để xây dựng các trung tâm đào tạo, để vừa nghiên cứu, vừa sản xuất, vừa làm ra sản phẩm có khả năng thương mại hóa,…

Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn với nhà trường trong công tác đào tạo này.
HHT mong muốn các doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn với nhà trường trong công tác đào tạo để có thể có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những khó khăn này sẽ được cơ quan chức năng của TP. Hà NộiBộ Lao động - Thương binh và Xã hội,… thay đổi, mở cửa theo hướng xã hội hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong việc đầu tư trong lĩnh vực đào tạo. Việc này sẽ giúp nhà trường có thêm nguồn lực về trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo.

Nếu được sự đồng hành của các doanh nghiệp, cùng với việc tạo các cơ chế chính sách tốt từ TP. Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ sở đào tạo.

Về phía nhà trường cũng cần thay đổi mô hình đào tạo của mình. Nhà trường cũng phải hoạt động như một doanh nghiệp, khi đó, mới đảm bảo và đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Trong đó, có các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ mà nhà trường cũng đang rất quan tâm.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương