Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, với việc xây dựng mục tiêu phát triển của Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trong nước kết hợp với sự trợ giúp của ngân sách nhà nước từ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ để đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ, Viện đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Hệ thống vận chuyển than nhà máy nhiệt điện |
Cụ thể, trong lĩnh vực tự động hóa, Viện đã chủ động đầu tư về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Viện đã thực hiện thành công nhiều dự án tự động hóa các quá trình sản xuất trong các nhà máy công nghiệp như: Dự án “Thiết kế, cung cấp, lắp đặt và hướng dẫn vận hành hệ thống robot bốc xếp hàng tự động” cho Công ty Cổ phần Bột giặt LIX; dự án “Hệ thống SCADA giám sát toàn bộ nhà máy sản xuất bột giặt”; dự án “Nâng cấp hệ thống điện điều khiển lò đốt tháp 1 và tháp 2"; dự án “Chế tạo, cung cấp, lắp đặt hệ thống cân tự động đóng túi bột giặt Unilever”…
Thành công tại các dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư, tiết kiệm nguồn nhân lực và góp phần hiện đại hóa quá trình sản xuất của các dây chuyền hiện hữu.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, NARIME đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 2 dự án tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng, Nhân Cơ công suất 650 tấn/năm và 2 nhà máy tuyển quặng bauxite Lâm Đồng và Nhân Cơ công suất 2,5 triệu tấn năm.
Trong đó, nổi bật là Viện đã thuê các chuyên gia đến từ HATCH để phối hợp thiết kế và từng bước tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho các dự án này. Đến nay, Viện đã đủ năng lực để tự thực hiện các công việc liên quan và đang chuẩn bị tham gia thực hiện 2 dự án tiếp theo cho Tập đoàn TKV.
Trong lĩnh vực thủy điện, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành.
Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 3 năm với thủy điện Sơn La và 1 năm với thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Trong lĩnh vực nhiệt điện, theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 - 2025”, Viện được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện.
Đơn cử, đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% và thiết bị tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Hệ thống phao nổi nhà máy điện mặt trời |
Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” đã được ứng dụng thành công tại các dự án nhiệt điện Thái Bình 1, Nghi Sơn 2 với tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 50%, đang tiếp tục mở rộng ứng dụng tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.
Với những công nghệ thu được trong quá trình thực hiện dự án, hiện nay Viện đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai thiết kế, chế tạo hệ thống băng tải vận chuyển than với chiều dài khoảng 160 km vận chuyển than từ Lào về Việt Nam, giúp nâng cao năng suất vận chuyển và giảm ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực năng lượng mới, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tổ chức các đoàn kỹ sư chuyên ngành tham gia nghiên cứu, khảo sát các nhà máy điện mặt trời được đầu tư tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan (Trung Quốc) và tìm ra giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện trong nước. Viện đã trúng thầu thực hiện gói thầu “Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo” với công suất 47,5 MW cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi.
Sau thành công của Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi, Viện đã mở rộng ứng dụng cho công trình Nhà máy điện mặt trời trên hồ Tầm Bó, Nhà máy điện mặt trời trên hồ Gia Hoét. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường gặp một số khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà thầu nước ngoài về giá cả cũng như bản quyền thiết kế.
Trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị môi trường, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của Viện đã được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Cụ thể, dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1, Nghi Sơn 2… với tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%.
Hay đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt năng suất từ 4000 đến 4500 kg rác/ngày”. Hệ thống đã được nghiệm thu và đang được vận hành tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), sau thời gian vận hành thương mại, đã chứng minh được tính ưu việt và mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, URENCO đã có biên bản thỏa thuận hợp tác với NARIME để thực hiện đề tài và chuyển kết quả nghiên cứu vào hoạt động thương mại…
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Nguồn: Báo Công Thương