Khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may – thiết bị & nguyên phụ liệu 2023

Ngày 5/4, triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may – thiết bị & nguyên phụ liệu 2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Công Thương, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Liên doàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi khai mạc, ngành dệt may Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo việc làm cho người lao động, ổn định an sinh xã hội và đóng góp nguồn ngoại tệ lớn, góp phần xây dựng tên tuổi trong nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Đại dịch Covid-19 và các biến động địa chính trị ảnh hưởng tới ngành dệt may nói riêng và nền kinh tế nói chung, Việt Nam vẫn đạt vị trí thứ ba trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may với 40,4 tỷ USD vào năm 2021 và 44,4 tỷ USD vào năm 2022, xuất siêu 18,9 tỷ USD. Theo chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam, đến năm 2030, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 68-70 tỷ USD.

          Hiện nay, ngành dệt may đang sử dụng hơn 2 triệu lao động với mức thu nhập bình quân đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ngành dệt may cũng đóng góp trong thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế với mức tăng trưởng trung bình trong xuất khẩu đạt từ 8-15% hàng năm. Tuy nhiên, sự biến động của tình hình thương mại quốc tế cũng như nhu cầu tiêu dùng cho các sản phẩm dệt may có sự sụt giảm, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tìm kiếm và duy trì sản xuất, tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Việc tổ chức triển lãm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may gặp gỡ và kết nối, mở rộng thị trường đồng thời tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại làm cơ sở để đầu tư trong thời gian tới.

          Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có sự yêu cầu ngày càng khắt khe về nguồn gốc bông vải sợi sử dụng hoặc sự xanh hóa trong ngành công nghiệp. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các mặt hàng cung cấp thay vì dừng lại ở các mặt hàng sản phẩm truyền thống, cùng với xây dựng các giải pháp đáp ứng được quy trình bền vững của thị trường dệt may, trong đó có bao gồm các sản phẩm tái chế. Cuối cùng, xây dựng được giải pháp về nguồn lực sử dụng trong sản xuất, tự động hóa, chuyên dụng hóa máy móc cùng với đào tạo nhân lực vận hành máy để đạt được hiệu quả và phát triển ngành dệt may.