Chỉ tiêu kinh doanh thấp so với năm trước
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may “ngấm đòn” suy giảm kinh tế và lạm phát, nên sụt giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 9,57 tỷ USD; xuất khẩu xơ sợi lao dốc mạnh hơn, giảm 33,6% so với cùng kỳ, đạt 1,283 tỷ USD.
Các doanh nghiệp may mặc và xơ sợi đều chung cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng và dự cảm về một năm kinh doanh vô cùng khó khăn, trong bối cảnh thị trường khó đoán định.
Đó là lý do tại đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp dệt may diễn ra cuối tháng 4, hầu hết doanh nghiệp đều đưa ra chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn rất nhiều so với kết quả thực hiện của năm 2022.
Là doanh nghiệp lớn trong hệ thống công ty thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam ở miền Trung, năm ngoái, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) đạt doanh thu hợp nhất 5.144 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021, riêng doanh thu Công ty mẹ đạt 4.731 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Kinh doanh thuận lợi, nên năm 2022, lợi nhuận hợp nhất của Dệt May Hòa Thọ đạt 337,4 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021, trong đó lợi nhuận riêng đạt 328 tỷ đồng, tăng 79%.
Nhưng năm 2023, tình hình khác rất nhiều. Xuất khẩu suy giảm chưa từng thấy, doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng, tổng cầu hàng dệt may thế giới dự báo giảm vài chục tỷ USD, Dệt May Hòa Thọ đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng (giảm gần 650 tỷ đồng); lợi nhuận hợp nhất trước thuế 200 tỷ đồng (giảm 137,4 tỷ đồng).
Thừa nhận, đây là giai đoạn chưa từng có trong tiền lệ bởi nhiều yếu tố xấu tác động tới thị trường, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng giám đốc Dệt May Hòa Thọ lý giải, trước những diễn biến khó lường của thị trường, tổng cầu dệt may toàn cầu suy giảm, nên kế hoạch kinh doanh 2023 của doanh nghiệp buộc phải giảm theo.
Dự báo thị trường sợi chưa có dấu hiệu phục hồi, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cũng giảm mục tiêu doanh thu hơn 400 tỷ đồng cho năm 2023, lợi nhuận trước thuế giảm hơn 1 nửa, chỉ còn 5 tỷ đồng. Năm ngoái, dù ngành sợi gặp khó hơn may mặc, nhưng Công ty vẫn đạt doanh thu 1.355 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch năm, vượt 120% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 11,23 tỷ đồng.
Tổng công ty May Hưng Yên - Công ty cổ phần (Hugaco) dù “bội thu” trong năm 2022 với doanh thu 832 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch và 117% mức thực hiện của năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 117,14 tỷ đồng, bằng 146% kế hoạch và 139% mức thực hiện của năm 2021, cũng đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 khá thận trọng.
Trước những diễn biến khó lường của thị trường cùng dự báo tiêu cực về tổng cầu dệt may thế giới, Hugaco đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 là 750 tỷ đồng (giảm hơn 80 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2022); lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng (giảm 47 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2022).
Tương tự, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đặt mục tiêu doanh thu 8.030 tỷ đồng (bằng 95% so với mức thực hiện năm 2022); lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng (bằng 96% so với mức thực hiện năm 2022). Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 820 tỷ đồng, thấp hơn 35 tỷ đồng so với kết quả năm 2022; lợi nhuận trước thuế năm 2023 chỉ ở mức 11 - 20,5 tỷ đồng.
Chờ thị trường sáng lên từ quý III
Nghe ngóng tình hình thị trường, các doanh nghiệp dệt may, xơ sợi đều có chung nhận định, lúc này, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, thậm chí khả năng quay lại của lạm phát vẫn cao, việc Trung Quốc quay trở lại sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá hàng hóa...
Những yếu tố này càng làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may, xơ sợi trong nước khó chồng khó.
Cầu giảm mạnh vài chục tỷ USD, thì các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn như Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất sợi dệt 4 tháng đầu năm 2023 giảm 4,9%, sản xuất trang phục giảm 7,9%, quần áo mặc thường giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lúc này, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất và chờ đợi nhất là thị trường sẽ tốt dần lên vào nửa cuối năm, đơn đặt hàng trở lại để hoạt động sản xuất đều tay, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cho cả năm.
Theo các doanh nghiệp, rất khó để đưa ra giải pháp ứng phó với bối cảnh tổng cầu dệt may kém, trong khi đó, ngành cũng đang phải đối diện với thách thức khi Trung Quốc mở cửa trở lại với các chính sách kích thích như giảm giá điện, giá vận tải, hoãn nộp thuế…
Các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đều duy trì đồng tiền nội địa rẻ để khuyến khích xuất khẩu. Trong khi đó, đồng tiền Việt Nam vẫn duy trì, thậm chí còn lên giá trong quý I/2023, giá điện tới đây cũng tăng. Chính vì vậy, với các đơn hàng lớn và dễ, thì Việt Nam khó cạnh tranh được với Trung Quốc, Bangladesh cả về giá và nguyên liệu.
Cơ hội còn lại của ngành dệt may Việt Nam là sản xuất linh hoạt, đơn hàng nhỏ, kỹ thuật cao.
Nguồn: Báo Đầu Tư