Doanh nghiệp dệt may Việt Nam lao đao do sụt giảm đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái

3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam dự kiến đat 8,701 tỷ USD, sụt giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022 mặc dù tăng 18,11% so với tháng trước. Quý II 2023 dự kiến ngành dệt may vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may được ước tính đạt 3,3 tỷ USD, gia tăng 18,11% so với tháng 2/2023 nhưng giảm 12,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm sản phẩm nguyên phụ liệu ước tính nhập khẩu 5 tỷ USD trong quý 1/2023, thấp hơn 17,97% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường dệt may Việt Nam được dự kiến tới tháng 7-8/2023 mới phục hồi do ảnh hưởng từ sự suy giảm sức mua của các thị trường chủ yếu như Hoa Kỳ và Châu Âu, điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp dệt may chưa có đơn hàng cho tháng 4. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia có ngành may mặc tập trung vào xuất khẩu đều có các dấu hiệu trong sự giảm sút về đơn hàng với nguyên nhân chính do giảm nhu cầu tiêu thụ từ mức lạm phát tăng cao. Các khách hàng có nhu cầu tập trung hơn và các sản phẩm thiết yếu hơn các mặt hàng tiêu dùng như may mặc.

Ngành dệt may Việt Nam đã đạt thành công lớn khi đạt mức kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn 10% so với 2021, nhưng những tín hiệu tiêu cực tại cuối quý 4 2022 như lạm phát tăng cao, suy giảm suy thoái toàn cầu đã báo trước sự suy giảm nhu cầu cho mặt hàng may mặc tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ và Châu Âu.

Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sợi cũng gặp nhiều khó khăn khi giá bán của sản phẩm này giảm mạnh từ nửa năm sau trong năm 2022. Mặc dù tình hình sản xuất và kinh doanh thực tế 2 tháng đầu năm cho thấy sự cải thiện nhưng không đáng kể với lượng hàng tồn kho tăng cao cùng với các đơn hàng nhỏ lẻ và đơn giá thấp so với các đơn hàng doanh nghiệp thường sản xuất.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết các doanh nghiệp phải tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bám sát khách hàng và thị trường nhằm có chính sách kịp thời cũng như linh hoạt theo tình huống cũng là điều cần thiết.