Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tận dụng mạng xã hội để xúc tiến giao thương

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã và đang tận dụng tối đa mạng xã hội để xúc tiến giao thương, thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tận dụng mạng xã hội để xúc tiến giao thương

Đánh giá về cơ hội xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh cách mạnh 4.0 hiện nay, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết: Mạng xã hội với lợi thế đông người sử dụng sẽ giúp truyền thông và thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần tận dụng để xúc tiến cơ hội đầu tư, nhất là việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Nguyễn Vân nhận định, trong những năm vừa qua, cùng sự hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam đã được tiếp cận các phương tiện thông tin và truyền thông hữu ích từ mạng xã hội và thương mại điện tử. Đó cũng là hai lĩnh vực có nước nhảy vọt thần kỳ

Hiện nay Việt Nam đã có hơn 77,9 triệu người dùng mạng xã hội mỗi ngày. Tương tự, trong thương mại điện tử, có đến hơn 45 triệu người Việt mua hàng tiêu dùng trực tuyến, và hơn 70% người tiêu dùng đã từng tìm kiếm và mua sắm trên Internet. Mỗi ngày, người Việt dành trung bình 2 tiếng 21 phút dùng mạng xã hội để nhắn tin, kết nối, tương tác, làm việc...

Có nhiệm vụ, giải pháp về phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số … được nêu rõ tại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” đã ban hành ngày 10/10/2023 vừa qua.

Ông Nguyễn Vân cho rằng, sẽ là một thiếu sót, lãng phí lớn nếu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “bỏ quên” mạng xã hội trong chiến lược phát triển, tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin. Là người có hơn gần 10 năm tham gia đồng hành với các doanh nghiệp trong các tổ chức Hiệp hội quy tụ nhiều DN vừa và nhỏ, DN sản xuất và kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, sản phẩm, linh kiện công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ… tại Hà Nội.

Nhạy bén thay đổi để thích ứng

Tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 diễn ra hồi tháng 8/2023, ông Otsuka Tetsuhisa - Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam cho biết: Theo thông lệ, các doanh nghiệp Nhật Bản khi lần đầu tiên đầu tư sang Việt Nam sẽ mong muốn tìm kiếm thông tin của nhà cung cấp như là doanh nghiệp đó có những thiết bị gì, thực hiện loại gia công nào, độ chính xác là bao nhiêu, có thể gia công những nguyên vật liệu gì...

Do đó, để đáp ứng lại với các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam cần lan tỏa thông tin của công ty mình một cách rộng rãi, để thông tin đó đến được với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Một trong những phương pháp “lan tỏa” thông tin đó chính là tận dụng các phương tiện của mạng xã hội. Ông Otsuka Tetsuhisa khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện công việc này thông qua website của công ty, trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, hoặc sử dụng cổng thông tin của NC Network. Những việc này sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các đối tác trong và ngoài nước một cách dễ dàng.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tận dụng mạng xã hội để xúc tiến giao thương
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nỗ lực đổi mới công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Những năm vừa qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cũng nhanh chóng bắt nhịp, tận dụng mọi cơ hội để theo kịp và tham gia vào chuỗi toàn cầu. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cũng mới ra mắt hệ thống robot tự hành AGV và hệ thống kho Shuttle.

Hệ thống robot tự hành AGV có thể vận chuyển hàng hóa từ điểm A sang điểm B, việc vận chuyển được thực hiện chu trình liên tục sẽ giúp tăng năng suất cũng như đảm bảo an toàn trong khâu vận chuyển hàng hóa trong nhà máy. Còn hệ thống kho Shuttle giúp tối ưu hóa không gian lưu trữ cho nhà máy, có thể tăng sức chứa lên gấp đôi so với phương pháp thông thường.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tận dụng mạng xã hội để xúc tiến giao thương
Tập đoàn Sơn Hà đón đầu xu hướng với sản phẩm xe máy điện Evgo - một giải pháp hữu ích cho bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường

Ông Đinh Đức Tuấn - Giám đốc Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện Evgo (Tập đoàn Sơn Hà) cho biết, nắm bắt được xu thế sử dụng xe điện trong tương lai, Tập đoàn Sơn Hà đã chú trọng đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản xuất phương tiện giao thông bằng năng lượng điện, coi đó như một giải pháp hữu ích cho bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Sản phẩm xe điện Evgo của Sơn Hà với công nghệ tiên tiến mang đến giải pháp thay thế xe máy nổ phục vụ người tiêu dùng Việt Nam; thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông xanh và hưởng ứng tích cực phong trào bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Ông Đinh Đức Tuấn cũng chia sẻ thêm, để quảng bá và kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm xe điện Evgo, Tập đoàn Sơn Hà cũng tận dụng mọi kênh truyền thông như mạng xã hội, Zalo, Facebook… Đây là một trong những kênh giúp kết nối người tiêu dung nhanh và hiệu quả, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Nguồn: Báo Công Thương