Tại Triển lãm quốc tế vải cao cấp – Textfuture Việt Nam Xuân – Hè 2023, các mẫu vải và bộ sưu tập thời trang từ các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường như sợi gai, sợi sen, bã cà phê, lá dứa tạo ra bất ngờ và thích thú cho khách tham quan triển lãm. Xu hướng trên đang được các doanh nghiệp dệt may áp dụng dần để giảm tác động tới môi trường bên cạnh đầu tư máy móc hiện đại.
Tại Triển lãm, Thư viện vải vóc số hóa đầu tiên được giới thiệu cùng với các xu hướng về họa tiết, công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may cùng với vải chức năng có thành phần từ nguyên liệu tái chế thể hiện quá trình xanh hóa đang diễn ra trong ngành dệt may Việt Nam.
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty Faslink, doanh nghiệp thí điểm ứng dụng thiết kế Style 3D từ xây dựng kho vải kỹ thuật số cho khách hàng truy xuất thông tin, tính năng kỹ thuật và họa tiết của mẫu vải, giảm thời gian ra thành phẩm xuống chỉ còn vài ngày so với vài tháng trước đây. Bà Xuân cho biết ứng dụng công nghệ này mở ra kênh tiếp thị mới cho doanh nghiệp, giảm thời gian cùng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc Gia TP.HCM) cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong phát triển xanh và bền vững của dệt may Việt Nam. Mô hình cần được tiếp nhận xuyên suốt chuỗi giá trị từ nguồn nguyên vật liệu đến sản xuất và khâu tiêu thụ. Trong đó, ngành dệt may cần xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, cùng với các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. PGS.TS Quân cho hay ngành dệt may có thể xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nền kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may, đồng thời gia tăng hợp tác quốc tế để tận dụng nguồn lực cũng như đảm bảo cung cấp thông tin thời gian thực và cập nhật định kỳ thông tin về kinh tế tuần hoàn.