Phụ thuộc vào nguồn linh phụ kiện nhập khẩu
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Tuy nhiên, với thực tế giai đoạn ô tô hoá đang tăng nhanh, doanh số bán xe toàn ngành có khả năng chạm mốc 500.000 chiếc trong năm 2022 – mốc được gỡ bỏ mác "thị trường nhỏ". Do đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô ngày càng trở nên cấp thiết.
Toyota Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) triển khai Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ |
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
Trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ôtô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng có chuyên gia cho rằng, chi phí để đầu nhà máy sản xuất chip rất tốn kém, lên tới hàng chục tỷ USD. Chính vì vậy, trên thế giới có rất ít hãng có thể sản xuất được chip như Intel, Samsung…
Ở Việt Nam cũng đã có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhưng với những khó khăn hiện nay thì điều này là rất khó.
Chủ động liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp- cho rằng, mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết còn lỏng lẻo. Nguyên nhân chính là do Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2-3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác.
Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế. Nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác. Ngoài ra, Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Để ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có cơ hội phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành những đầu kéo.
Cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như Thaco, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.
Hiện Toyota Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Dự án này được triển khai với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước (chưa nằm trong hệ thống nhà cung cấp của Toyota) thông qua hoạt động kết nối, đào tạo và phát triển năng lực, cải tiến hiệu quả quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo, phát triển nhân sự và quản lý sản xuất cho nhà cung cấp trong hệ thống của họ. Hoạt động này đã giúp Toyota Việt Nam nâng cao đáng kể số lượng doanh nghiệp thuần Việt trong hệ thống nhà cung cấp thuần Việt của mình.
Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.
Nguồn: Báo Công Thương