Công nghiệp ICT Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt hơn 20 tỷ USD

Tiếp theo đà tăng trưởng trong những năm qua, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng mạnh. Mục tiêu công nghiệp công nghệ số sẽ là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao năng lực toàn diện về chuyển đổi số, thúc đẩy hình thành quốc gia số...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo số liệu đưa ra trong báo cáo phục vụ Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý 1/2023 của Bộ Thông tin và Truyền Thông, ước tính đến hết tháng 2/2023, doanh thu công nghiệp ICT đạt 20,6 tỷ USD tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng- điện tử ước đạt khoảng 8,2 tỷ USD tăng 4% so với cùng kỳ.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành đi đầu trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực toàn diện về chuyển đổi số, thúc đẩy hình thành quốc gia số, ngay những ngày đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị về định hướng phát triển ngành năm 2023 và giai đoạn 2024- 2025. Chỉ thị nêu rõ các  mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho các lĩnh vực của ngành trong đó công nghiệp công nghệ thông tin ICT với 10 nhiệm vụ lớn trọng tâm.

Chỉ tiêu năm 2023, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử- viễn thông đạt 165 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 175 tỷ USD trong năm 2024 và đạt 185 tỷ USD vào năm 2025.

Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6- 6,5% mỗi năm. Xuất khẩu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 137 tỷ USD trong năm 2023, tăng lên 148 tỷ USD năm 2024 và đạt mức 160 tỷ USD vào năm 2025.

Trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021.

Công nghiệp ICT Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt hơn 20 tỷ USD - Ảnh 1

Có thể thấy, trong suốt 5 năm qua, doanh thu công nghiệp ICT Việt Nam liên tục tăng trưởng cao từ mức gần 103 tỷ USD năm 2018 lên hơn 124,67 tỷ USD vào năm 2020 và 136,15 tỷ USD vào năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; xuất siêu hơn 26 tỷ USD (trong khi năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD).

Ước tính đến hết tháng 2/2023, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động đạt khoảng 70.800, tăng 300 doanh nghiệp so với tháng 1/2023, đạt tỷ lệ 0,71 doanh nghiệp/1.000 dân.

Thống kê, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021; trong đó, có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ước tính đến hết tháng 2/2023, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động đạt khoảng 70.800, tăng 300 doanh nghiệp so với tháng 1/2023, đạt tỷ lệ 0,71 doanh nghiệp/1.000 dân. Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 sẽ phát triển 75.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Nhằm triển khai chủ trương, định hướng về việc đưa doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, vừa qua, Bộ đã tổ chức hội nghị cung cấp các thông tin về chính sách, quy định, môi trường kinh doanh tại một số nước trong khu vực, một số chính sách ưu tiên thu hút đầu tư, các tiềm năng, xu thế về thị trường sản phẩm dịch vụ số, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp số trong nước đã hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Trong những tháng từ đầu năm đến nay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định hồ sơ kết nạp Trung tâm công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định tham gia Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu công nghệ thông tin tập trung cho Khu phức hợp FPT.

Bộ cũng tiếp tục duy trì, vận hành và cập nhật thông tin số liệu trong cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm công nghệ số. Rà soát, cập nhật thông tin số liệu của Top doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ phần mềm đang hoạt động; đề nghị các doanh nghiệp báo cáo tình hình hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định.

Trong quý 1/2023, Bộ cũng hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó Ban hành Kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu.

Theo kế hoạch, Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trước 20/12/2023. Cũng trước thời điểm này, bộ sẽ trình Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2023 và tầm nhìn 2035.