CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM ĐANG ĐỐI MẶT

Bước sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng trước bài toán tăng trưởng khó khăn do các tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc các tổ chức thế giới, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng sụt giảm, thấp hơn năm 2022, với mức dự báo tốc độ tăng trung bình khoảng 2%. Cụ thể, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 của IMF là 2,7%, của EU là 2,5%, của OECD là 2,2% và của Fitch Ratings là 1,4%. Trước tình hình đó, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của mức tăng trưởng thấp nêu trên đến từ các khó khăn chưa thể giải quyết triệt để và ngắn hạn trong năm 2022 như xung đột địa chính trị Nga -  Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc tạo ra nhiều cú sốc kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường các nước, nguy cơ lạm phát tăng cao, nguồn cung xăng, dầu trên thế giới và trong nước còn nhiều biến động; căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cụ thể là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có khả năng gay gắt hơn và khó có thể dịu đi trong một thời gian ngắn; các nguy cơ khác gây ra bởi biến đổi khí hậu... trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu tại nhiều quốc gia, và có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.

Có thể thấy rằng hệ quả của những nguy cơ này trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam, gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh của kinh tế, như áp lực lạm phát và sự mất giá đồng VND ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng dẫn tới nguy cơ lạm phát trong năm 2023 vượt quá mức trần 4,5% sẽ phần nào tác động đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ cẩn thận hơn trong việc chi tiêu các mặt hàng thường xuyên và cả những mặt hàng xa xỉ như ô tô. Tác động này sẽ càng rõ rệt khi mức lạm phát càng cao.

Hoạt động xuất khẩu năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2022, do hiện các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản đều đối mặt với nguy cơ suy thoái hoặc tăng trưởng chậm, khiến số lượng đơn đặt hàng sụt giảm cũng như việc áp đặt các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này sẽ tác động giảm tới thu ngoại tệ từ hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng tới tổng thu ngoại tệ và dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2023, trong khi đây là một trong những công cụ hữu hiệu để kiểm soát lạm phát và giữ giá trị đồng VND ổn định. Trước nguy cơ này, Nhà nước sẽ cần phải tính toán và cân đối các nguồn thu chi ngân sách khác để vừa đảm bảo thực hiện hoạt động công, vừa có đủ nguồn lực để sử dụng các công cụ chính sách điều tiết kinh tế phù hợp.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và bất động sản năm 2023 đều được dự báo tồn tại nhiều rủi ro và không ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý và thu nhập nhà đầu tư, trong khi đây là hai kênh mang lại nguồn tiền lớn cho nền kinh tế. Trong trường hợp hai thị trường biến động tiêu cực, người tiêu dùng sẽ cân nhắc việc phát sinh nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng, trong đó bao gồm cả một mặt hàng có giá trị cao như ô tô.

Cơ hội và thách thức

Giá bán xe ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.

Giá bán xe ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.

 

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế, thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20-30%/năm), Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ ô tô rất tiềm năng trong khu vực. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 trong ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia).

Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố là quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe (mặc dù vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân)...). Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025.

Bên cạnh đó, xu hướng điện hóa ô tô đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Hiện nay, đối với ô tô điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Do đó, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện của Việt Nam trong khu vực là rất tiềm năng nếu Chính phủ sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội, đặc biệt là trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư và tái cấu trúc chuỗi giá trị công nghiệp trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.

Bên cạnh những cơ hội là không ít thách thức mà thị trường ô tô Việt Nam phải đối mặt. Đầu tiên chính là sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, sự cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đến chủ yếu từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia (chỉ tính riêng lượng ô tô nhập khẩu từ 02 quốc gia này đã chiếm khoảng trên dưới 50% tổng lượng ô tô nhập khẩu tại Việt Nam) và trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Tiếp theo, một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia) trong việc thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô.

Ngoài ra, có thể thấy, hiện tại mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô không lớn hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất phôi và chi tiết đúc cho ngành chưa nhiều và tỷ lệ sai hỏng còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành.