Chuẩn bị nhân lực bán dẫn, thu hút ‘đại bàng đến xây tổ’

Nhằm thu hút ‘đại bàng đến xây tổ’ cùng với các chính sách ưu đãi, việc chuẩn bị nhân lực cho ngành bán dẫn đang được Khu công nghệ cao Hòa Lạc triển khai.

Chuẩn bị nhân lực cho công nghiệp bán dẫn

Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc diễn ra chiều nay 30/7 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đây cũng là cơ hội cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong việc phát huy vai trò dẫn dắt và lan tỏa công nghệ của Thủ đô.

Chuẩn bị nhân lực bán dẫn, thu hút ‘đại bàng đến xây tổ’
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.

Ông Hoài cho biết thêm, những tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Renesas, Qorvo, Marvell, Synopsys, Ampere, Infineon đã thành lập các trung tâm R&D và nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cùng với đó, nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel tại TP.Hồ Chí Minh và nhà máy bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor tại Bắc Ninh cũng đã được khánh thành vào năm 2023.

Có nhiều lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trước hết, Việt Nam có môi trường thuận lợi và cơ chế chính sách ưu đãi. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thông qua việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các khu công nghệ cao tại TP.Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và sẵn sàng cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách ưu đãi như Luật Thủ đô; Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên… cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam có nguồn lao động kỹ thuật dồi dào và nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn. Các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (VNU-HCM), Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), và Đại học Đà Nẵng đã và đang đào tạo và phát triển một mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước.

Chuẩn bị nhân lực bán dẫn, thu hút ‘đại bàng đến xây tổ’
Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động nhằm thu hút các DN lớn về công nghệ trên thế giới đến đầu tư (Ảnh minh họa: Thu Hường)

Các cơ sở đào tạo này sẵn sàng kết nối mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước cùng các đối tác doanh nghiệp trong nước như Viettel, Vingroup, FPT, VNPT, VNG, Momo để phát triển nguồn nhân lực dồi dào và có tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và điện tử.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo tổng cộng 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư cho các khâu sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực liên quan khác. Để hỗ trợ mục tiêu này, Việt Nam sẽ thành lập 4 phòng thí nghiệm dùng chung cấp quốc gia và 18 phòng thí nghiệm tiêu chuẩn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.'- ông Hoài cho hay.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ được hỗ trợ bởi 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 doanh nghiệp sản xuất, 10 doanh nghiệp đóng gói và thử nghiệm chip, cùng 15 nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp bán dẫn. Mạng lưới đào tạo cũng sẽ được mở rộng lên khoảng 200 địa điểm trên toàn quốc…”, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam cho hay.

Trong khi đó, tại phần thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Linh- NIC cho biết: Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, theo đó Chiến lược tạm chia là 3 giai đoạn: Giai đoạn trước năm 2030 Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cũng như phát triển hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách; Giai đoạn từ 2030-2040, Việt Nam sẽ tập trung vào doanh nghiệp thiết kế chip đã làm chủ công nghệ và thu hút một số tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư tại Việt Nam khi mà hạ tầng, chính sách đã sẵn sàng; giai đoạn sau 2040 Việt Nam định vị là một mắt xích quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Chuẩn bị nhân lực bán dẫn, thu hút ‘đại bàng đến xây tổ’
Giai đoạn sau 2040 Việt Nam định vị là một mắt xích quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn (Ảnh minh họa: Lê Tất Tiên)

Để đạt được mục tiêu trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Linh, dự thảo Chiến lược đưa ra 3 định hướng, giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục thu hút đầu tư các tập đoàn công nhệ lớn trên thế giới; Thứ hai, về phát triển nguồn nhân lực Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan để đào tạo các kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn; Thứ ba, phát triển hệ sinh thái với mong muốn thu hút đầu tư, nâng cao năng lực nội địa về công nghiệp bán dẫn.

Kỳ vọng “nhiều đại bàng xây tổ” ở Khu công nghệ cao

Theo ông Võ Xuân Hoài, theo Luật Thủ đô (sửa đổi ban hành ngày 28/6/2024 à có hiệu lực vào ngày 1/1/2025), Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm. Trong đó, Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và đưa ra các ưu đãi đầu tư hấp dẫn.

Chuẩn bị nhân lực bán dẫn, thu hút ‘đại bàng đến xây tổ’
Ông Trần Đắc Trung phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, ông Trần Đắc Trung – Phó Trưởng ban – Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP) cho hay: Với việc Luật Thủ đô được thông qua, dự án đầu tư sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm (với những dự án có quy mô đầu tư trên 4000 tỷ đồng) thay vì 15 năm như trước đây, cùng với các cơ chế về hạ tầng xã hội. Ngoài ra, HHTP đang phối hợp ngành điện lực hoàn thiện trung tâm điều phối điện giúp ổn định điện áp, đảm bảo điện sạch.

Về kết nối ba nhà, theo ông Trung nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế chính sách vừa để đảm bảo việc quản lý vừa thúc đẩy trường viện và doanh nghiệp. Nhà nước cũng đóng vai trò điều phối, kết nối các nhà còn lại không để phát triển rời rạc, chồng chéo, tạo ra mạng lưới đủ mạnh.

Liên quan đến chuẩn bị nhân lực cho các nhà đầu tư tại HHTP trong đó có nhân lực cho ngành bán dẫn, ông Trung cho biết: Khu công nghệ cao Hòa Lạc kết hợp với các viện - trường, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu khi các dự án lớn vào đầu tư.

Ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba nhà gồm nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Hoạt động này đang được HHTP tập trung triển khai", ông Trung nói.

Theo ông Trung, trong năm nay và sang năm, HHTP xây dựng danh mục thu hút các dự án hạ tầng xã hội cần thiết đáp ứng nhu cầu của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp làm việc, học tập. Nơi đây cũng là trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VKIST, NIC... Các đơn vị này cũng tham gia vào việc kết nối, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, môi trường thuận lợi, ông Trung kỳ vọng Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là “địa chỉ” để các “đại bàng công nghệ đến xây tổ”.

Nguồn: Báo Công Thương