Cùng tham dự có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và ông John Neuffer, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA).
Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn trưa làm việc với CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với tập đoàn Cadence Design Systems, Inc. về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và Đại học bang Arizona về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp bán dẫn đã đầu tư, hoạt động tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là một bước tiến tiếp theo để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.
Bộ trưởng đánh giá, nếu Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều thành tựu công nghệ nổi bật, thì Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam; đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng chiến lược, chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn tại Việt Nam trong tất cả các khâu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước cũng như thu hút ngày càng nhiều các đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng có một lực lượng lao động tốt trong các mảng kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.
Việt Nam đang có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Thứ ba, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP. HCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực ngày càng cải thiện của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Các ý kiến đánh giá tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ về các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đề xuất những phương thức hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm phát triển thành công hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu. Về lâu dài, các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa NIC với tập đoàn Cadence Design Systems, Inc. và Đại học bang Arizona; biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với tập đoàn Intel - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa NIC với tập đoàn Cadence Design Systems, Inc. và Đại học bang Arizona; biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với tập đoàn Intel - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự có mặt của các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, cho thấy quyết tâm rất cao, minh chứng rõ nét cho sự quan tâm và ủng hộ của doanh nghiệp Hoa Kỳ tới các cơ hội hợp tác và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, góp phần cụ thể hóa nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ với những chương trình, dự án cụ thể, mang lại kết quả, lợi ích cụ thể cho các bên.
Bên cạnh những trọng tâm hợp tác đã có, trong tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước; đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực phối hợp, tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp bán dẫn đã đầu tư, hoạt động tại Việt Nam, đóng góp cho việc thúc đẩy nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn tại Việt Nam trong tất cả các khâu như đầu tư hạ tầng; chuyển giao công nghệ, thiết kế, tổ chức sản xuất và phân phối; đào tạo nhân lực với sự tham gia của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu, đào tạo của cả hai nước.
Từ đó, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu trong nhiều khâu từ thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, sản xuất…
Thủ tướng cho rằng, việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vừa phù hợp xu thế hiện nay trên thế giới, vừa phù hợp với tiềm năng, nguồn lực con người của Việt Nam, vừa mang lại lợi ích cho người dân nên chắc chắn người dân sẽ tham gia một cách tích cực và hiệu quả.
Về những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp liên quan tới thuế, thủ tục hành chính, đất đai, đào tạo nhân lực…, Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động ngày càng thuận lợi, ổn định, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hai bên cùng có lợi, cùng thắng, đóng góp tích cực cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Nguồn: Báo Công Thương