Chương trình này hiện thực hóa của bản hợp tác “trong đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023”, được ký kết giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc năm 2019.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), phát biểu tại lễ khai giảng khóa 6 |
Chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam khóa 6 lần này, có 30 học viên đến từ các công ty cơ khí - khuôn mẫu và giảng viên các trường cao đẳng, đại học các tỉnh thành phía Nam. Học viên sẽ được đào tạo trong 14 tuần, trong đó 10 tuần đào tạo tại Việt Nam và 4 tuần đào tạo thực hành (thực tế) tại Hàn Quốc.
Chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu với nhiều nội dung đa dạng như: Hoạt động sáng tạo tổng hợp (thiết kế và sản xuất khuôn mẫu), trong đó tập trung vào đào tạo trong ba lĩnh vực (khuôn ép nhựa, khuôn đột dập và quy trình xử lý chính xác). Ngoài ra, khóa học còn đào tạo kỹ thuật viên về quản lý hệ thống, quản lý nguồn thiết kế và quản lý tiêu chuẩn; thực hành trực tiếp trong các công đoạn thiết kế, CNC/EDM, cắt và cuộn dây điện cực; Thực hành lắp ráp khuôn, thử nghiệm, kiểm tra và sửa đổi…
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Lãnh đạo và các chuyên gia Samsung cùng các học viên khóa 6 dự lễ khai giảng |
Phát biểu khai giảng, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – khẳng định: Chế tạo khuôn mẫu là ngành công nghiệp hỗ trợ mang tính chất nền tảng cho sự phát triển công nghiệp hiện đại. Thời gian qua, ngành khuôn mẫu Việt Nam đã và đang có sự tăng trưởng rõ rệt qua nhiều năm và đang ngày càng được hiện đại hóa, đổi mới và tiến bộ không ngừng theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Một trong số đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ chuyên gia khuôn mẫu có trình độ thiết kế, chế tạo và sản xuất khuôn mẫu với độ chính xác cao, từ năm 2019, Cục Công nghiệp đã phối hợp cùng Samsung Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo nhân lực khuôn mẫu Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu, nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo và sản xuất khuôn mẫu với độ gia công chính xác cao.
Ông Cho Jong Wook - Phó Tổng giám đốc Học viện Đồng Thịnh Vượng Samsung Điện tử Hàn Quốc: Chương trình nâng cao năng lực chuyên môn về khuôn mẫu, đóng góp cho năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam |
Với sự hỗ trợ tích cực của phía Samsung, các khóa đào tạo đã diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao, nhận được phản hồi tích cực từ phía các học viên và doanh nghiệp Việt Nam. Ngày càng nhiều các học viên và doanh nghiệp mong muốn được tham gia chương trình. Với trình độ chuyên môn cao, kỹ năng giảng dạy chuyên nghiệp và kinh nghiệm thực tế phong phú, các chuyên gia Samsung Hàn Quốc đã truyền đạt những kiến thức bổ ích, thiết thực cho đội ngũ thiết kế khuôn mẫu Việt Nam để có thể từng bước làm chủ công nghệ sản xuất khuôn mẫu.
Trên cơ sở chương trình hợp tác đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành khuôn mẫu Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh mong muốn, các học viên tham gia khóa đào tạo sẽ thu được nhiều kiến thức bổ ích và những kỹ năng cần thiết để nâng cao tay nghề, trình độ thiết kế, sửa chữa cũng như kiểm định khuôn mẫu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất.
Chia sẻ tại lễ khai giảng, ông Cho Jong Wook - Phó Tổng giám đốc Học viện Đồng Thịnh Vượng Samsung Điện tử Hàn Quốc - tin tưởng: Chương trình này sẽ trở thành nền tảng đào tạo nhân sự khuôn mẫu cho Việt Nam. Đồng thời cam kết Samsung sẽ nỗ lực hết sức để khoá học thành công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành sản xuất của Việt Nam.
Các học viên khóa 6 sẽ được đào tạo 10 tuần tại Việt Nam và 4 tuần đào tạo thực hành tại Hàn Quốc |
“Bộ Công Thương sâu sát quan tâm, hỗ trợ để học viên có thể không ngừng duy trì và nâng cao hơn nữa chuyên môn về khuôn mẫu cả sau khi khoá học kết thúc. Cũng như xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ cho đào tạo chuyên gia khuôn mẫu, tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng nhân lực ưu tú” - ông Cho Jong Wook đề nghị.
Đánh giá cao về Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung đào tạo chuyên gia khuôn mẫu, ông Mã Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Nhựa PH, học viên tham gia khóa đào tạo nhấn mạnh: Số lượng các doanh nghiệp thiết kế và sản xuất khuôn mẫu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá thành, tiết độ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu rất ít. Do đó, khóa học này vô cùng hữu ích và thiết thực đối với các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo khuôn mẫu nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung. Chương trình này sẽ là cú huých rất lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu.
Theo Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: Báo Công Thương