Bộ Công Thương hỗ trợ định hình thị trường cho doanh nghiệp

Thị trường là yếu tố quan trọng, do vậy Bộ Công Thương hỗ trợ định hình và phân chia thị trường để doanh nghiệp để có cơ hội bước chân vào chuỗi cung ứng.

Cơ khí là ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, tuy nhiên thời gian qua ngành này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng mặc dù đã nhận được sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoài Nam- Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Là ngành công nghiệp quan trọng nhưng thời gian qua ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn trong phát triển, ông có thể chia sẻ một số nhận định về vấn đề này từ góc độ doanh nghiệp?

Ngành cơ khí có đặc thù cần nhiều vốn đầu tư, thu hồi vốn lâu, cần lực lượng lao động được đào tạo có nghề, có trình độ và mất nhiều thời gian đào tạo nên gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ thì ngành cơ khí có dấu ấn khi tham gia được vào những ngành công nghiệp trọng điểm. 10 năm trở lại đây, ngành phát triển chưa như mong muốn, so sánh với các nước trong khu vực thì thiết bị của ngành lạc hậu hơn, công nghệ chậm đổi mới, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước mất dần. Đây cũng là những khó khăn chung của ngành và cũng là khó khăn của chính doanh nghiệp.

Bộ Công Thương hỗ trợ định hình thị trường cho doanh nghiệp
Ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội

Thế mạnh của ngành cơ khí Việt Nam tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy, phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô, xin ông chia sẻ về nhận định này và doanh nghiệp đã có những đóng góp gì tạo nên thế mạnh này cho ngành?

Theo chủ trương phát triển, ngành công nghiệp ô tô, xe máy đã hình thành cách đây vài chục năm là tiền đề cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng bên cạnh doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Chủ trương này tạo sự bứt phá trong chính sách đầu tư, phát triển và đã tạo nên những thành công. Cụ thể, ngành ô tô đã nội địa hóa được từ 15-45% linh kiện phụ kiện tùy từng loại xe, xe máy đạt từ 85-90%.

Trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Thaco, Huyndai, VinFast cũng tạo được những ấn tượng khi chủ động lắp ráp được một số loại xe khách, xe con và mang thương hiệu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, xuất khẩu được một số loại xe sang các nước trong khu vực.

Về phía Công ty cơ khí Hà Nội, đặc thù xuất phát điểm là doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, chúng tôi có thế mạnh về chế tạo chính xác. Trong giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp đã cung cấp được các loại bộ khuôn mẫu để làm dập các chi tiết vỏ xe cho xe máy, cung cấp sản phẩm đúc gia công chính. Đó cũng là đóng góp của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho ngành sản xuất ô tô, xe máy.

Để ngành công nghiệp cơ khí nói chung, doanh nghiệp nói riêng vượt qua khó khăn và phát triển, theo ông, Bộ Công Thương cần có thêm những chính sách hỗ trợ gì?

Cái quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là thị trường. Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.

Giảm phí trước bạ
Bộ Công Thương hỗ trợ định hình thị trường cho doanh nghiệp

Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian sắp tới; cơ chế chính sách hỗ trợ sớm ban hành và đi vào thực tế hơn để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng hợp tác và chia sẻ thị trường, mang lại sự phát triển bền vững.

Để thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới, doanh nghiệp đã có kế hoạch hành động như thế nào để tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường thưa ông?

Trong suốt quá trình phát triển, doanh nghiệp đã nếm trải nhiều khó khăn, cũng đồng thời nỗ lực để hội nhập, hướng về tương lai tạo sự phát triển và đóng góp vào sức phát triển chung của ngành cơ khí.

Trong chiến lược phát triển, chúng tôi cũng định hình về quản lý, người lao động có năng lực, trình độ và kiến thức, tâm huyết, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để có được điều đó chúng tôi có sự quan tâm chia sẻ của người lao động, tự đào tạo và kết hợp với các Viện, trường để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chúng tôi cũng định hướng dòng sản phẩm chiến lược có giá trị gia tăng cao phù hợp với năng lực sản xuất của công ty. Với những mặt hàng truyền thống đã có thương hiệu, doanh nghiệp hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để nhận chuyển giao, mạnh dạn đầu tư thiết bị mới nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng tính cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp đã đạt được thành tích quan trọng là xuất khẩu sản phẩm sang một số nước trong khu vực mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, xung đột địa chính trị cũng ảnh hưởng nhiều đến đầu ra khi tìm đơn hàng đã khó, duy trì đơn hàng lại càng khó.

Xin cám ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương