Liên tục thay đổi
Là một trong những doanh nghiệp có đủ năng lực, quy mô sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu cuối, Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty đã phải đầu tư thêm gần 200 tỷ đồng để trang bị dây chuyền sản xuất mới. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng đã tạo động lực giúp doanh nghiệp thay đổi, bắt kịp quy mô và nhu cầu của đối tác.
Không dừng lại đó, công ty đã cho nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm như: Motor, bơm, các dụng cụ cầm tay, máy may, các bộ điều khiển chuyển động trong ô tô…, đảm bảo cung ứng đạt tiêu chuẩn cho: Toshiba Industry, Rinnai, MK Seiko, Bonfiglioli, Thermtrol, Sanei Technology, USM Health Care…
“Nhờ dây chuyền công nghệ mới, công ty có thể nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường thay vì gia công như trước đây. Từ đó nâng cao giá trị và vị thế cho sản phẩm của doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp nâng thứ hạng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Tống chia sẻ.
Tại Điện Quang, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ ở cả 2 vai trò, vừa là nhà cung cấp, vừa là nhà mua hàng, công ty đã phải liên tục đầu tư quy mô lớn vào dây chuyền máy móc, thiết bị để mở ra cơ hội phát triển.
Để có được những đơn hàng, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại |
Ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang cho biết, để có được những đơn hàng, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại như nhà máy Chip LED, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM…
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2023-2027, doanh nghiệp tập trung nghiên cứu – phát triển các sản phẩm mới phù hợp thị trường với 5 lĩnh vực là chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị điện và năng lượng mặt trời. Thực tế cho thấy, việc lựa chọn đi vào đầu tư sản phẩm công nghệ cao, công nghệ lõi đã giúp công ty duy trì được chuỗi cung ứng ngay cả trong giai đoạn Covid-19 bùng phát.
Chia sẻ bí quyết tham gia vào chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, doanh nghiệp chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao - cho biết, hiện các sản phẩm khuôn mẫu của công ty đã được xuất khẩu qua Mỹ để dùng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi. Trước đó, các sản phẩm của công ty đã được xuất sang thị trường Pháp, Đức, Ý…
Theo ông Trí, 14 năm trước, công ty đã nhận được yêu cầu sản xuất khuôn mẫu bàn chải cho Công ty đa quốc gia Colgate-Palmolive (Mỹ). Mặc dù vậy, công ty này đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho sản phẩm này. Phải mất hơn 1 năm trời nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm Lập Phúc mới có thể chế tạo được khuôn mẫu bàn chải ưng ý cho khách hàng.
Từ những khuôn mẫu chính xác trên, Công ty Colgate-Palmolive Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (Bình Dương), đã sản xuất ra khoảng 250 triệu sản phẩm bàn chải/năm, đưa đi tiêu thụ toàn cầu.
Sau dự án thành công cho Colgate, nhờ các khách hàng giới thiệu, từ đây, Công ty Lập Phúc dần tham gia được vào chuỗi giá trị lớn toàn cầu của Suzuki, Panasonic, Sanyo hay Omron… Cách đây 5 năm, công ty bắt đầu làm khuôn mẫu chính xác cho các hãng xe nổi tiếng như Tesla, GM (General Motors).
“Để có được những thành quả trên, doanh nghiệp đã phải tái đầu tư số tiền lớn vào trang thiết bị máy móc cơ khí. Và trong 30 năm qua, doanh nghiệp không hề may mắn khi giành được các hợp đồng”, ông Trí khẳng định.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo các chuyên gia hiện nay nhiều sản phẩm, linh kiện công nghiệp hỗ trợ tinh xảo của doanh nghiệp Việt Nam chế tạo đã vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… Tuy nhiên, thực tế, những doanh nghiệp làm được như Duy Khanh, Điện Quang hay Lập Phúc là không nhiều.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ôtô, cơ khí; trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng điểm nghẽn ở đây phải thừa nhận là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế là do chi phí sản xuất cao, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công mà thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao…
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh, cho biết, mặc dù đã có những doanh nghiệp có đủ năng lực để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng có tới 99% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô sản xuất chỉ trên dưới 300 công nhân lao động. Dây chuyền sản xuất đa phần ở trình độ bán tự động.
Trong khi đó, việc mở rộng đầu tư với ngành này lại không phải dễ. Bởi lẽ, với nội lực nhỏ, đôi khi một tác động nhỏ từ chính sách cũng sẽ giúp doanh nghiệp lớn mạnh nhưng cũng khiến doanh nghiệp có thể lao đao khi chính sách thay đổi.
Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho rằng, chính sách thuế cho ngành công nghiệp hỗ trợ còn bất cập. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu công nghệ thì được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, trong khi doanh nghiệp Việt nhập khẩu dây chuyền, công nghệ sản xuất để cải tiến lại thì phải chịu thuế rất cao. “Đơn cử sản phẩm bo mạch điện tử, vì chịu thuế cho linh kiện sản xuất nên ước tính chung sản phẩm đang phải chịu mức thuế trên dưới 3%, trong khi đó nếu nhập khẩu nguyên chiếc bo mạch từ nước ngoài về thì hưởng thuế 0%. Đây là một nghịch lý khiến doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh trong cuộc chơi toàn câu”, ông Trí chia sẻ.
Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn nhân lực. Cũng theo ông Trí, hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám. Theo đó, nhiều lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp nhỏ, nhưng khi lành nghề lại “nhảy việc” sang các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI bởi mức lương cao hơn.
“Doanh nghiệp sản xuất có hai nguồn tài sản. Thứ nhất là tiền và máy móc, trang thiết bị, nguồn này tồn tại lâu dài. Thứ hai là là nguồn nhân lực, đây là tài sản cực kỳ quý và có thể mất bất cứ lúc nào. Do vậy, nguồn nhân lực về cơ khí ở nước ta rất thiếu”, ông Trí chia sẻ.
Rõ ràng có thể thấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một chủ trương đúng của Đảng là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, từ đó giúp tự chủ công nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Và thực tế các chính sách đã và đang phát huy hiệu quả; doanh nghiệp cũng đang từng bước hiện thực hóa khát vọng tự chủ công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công mà thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao… "bởi lực bất tòng tâm". Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, và để công nghiệp hỗ trợ phát triển, các cơ quan chức năng cần có thêm những chính sách tạo cú huých đủ mạnh, phát huy hơn nữa vai trò bệ đỡ cho doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương