Việc thực hiện thành công chính sách đa dạng hóa nền kinh tế đã giúp UAE giảm dần sự phụ thuộc vào ngành dầu khí. Từ khi phát hiện ra dầu mỏ từ hơn 30 năm trước, UAE đã trải qua một thời kỳ chuyển đổi sâu sắc từ một đất nước nghèo với các vương quốc nhỏ nằm rải rác trở thành một nhà nước liên bang hiện đại với chất lượng sống thuộc loại cao trên thế giới.
Chính phủ UAE hiện tiếp tục thực hiện chính sách cải cách, đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, tập trung chi tiêu công để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, giáo dục, tạo việc làm và các trung tâm kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Theo báo cáo “Doing Business Report 2013” của World Bank, UAE đứng thứ 26 trong số 183 nước được xếp hạng về chỉ số “Doing Business Index”. Chỉ số này được hình thành trên cơ sở tổng hợp đánh giá trong 11 lĩnh vực như thương mại qua biên giới, thủ tục nộp thuế, thủ tục xin cấp phép xây dựng, cấp điện cho các dự án, đăng ký bất động sản, vv...
Ngành công nghiệp thực phẩm của UAE: UAE là quốc gia sản xuất thực phẩm lớn thứ 2 sau Ả-rập Xê-út tại khu vực các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), chiếm 12,1% tổng lượng thực phẩm được sản xuất tại khu vực. Lượng thực phẩm được tiêu thụ tại UAE (về giá trị) tăng trung bình 4,3% mỗi năm, giai đoạn 2011-2017, ước đạt 5,5 tỷ USD năm 2015.
Một số đặc điểm nổi bật trong ngành thực phẩm của UAE: Trong 9 năm từ 2002 – 2010, số lượng thực phẩm được sản xuất tại UAE duy trì ở mức trung bình 1,4 triệu tấn; Hiện nay, sản xuất thực phẩm của UAE đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Điều này có nghĩa là UAE vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia khác; Lượng thực phẩm tiêu thụ tại UAE tăng trung bình 6,2% trong giai đoạn từ 2004 – 2010 và dự báo tăng ở mức trung bình 4,3% trong giai đoạn từ 2011 – 2017; UAE có nhu cầu cao đối với thực phẩm tươi sống, sản phẩm thịt (đạt tiêu chuẩn Halal); Thị trường sữa và sản phẩm sữa tai UAE có mức tăng trung bình 5,9% trong giai đoạn từ 2006 – 2010 và dự báo sẽ tăng trung bình 5,1% trong giai đoạn từ 2010 – 2015, giá trị tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa dự báo đạt 773,7 triệu USD vào năm 2015; Ngành công nghiệp thực phẩm bán lẻ tại UAE có mức tăng trưởng trung bình là 20,6% trong giai đoạn từ 2005 – 2009, đạt 7,3 tỷ USD trong năm 2011 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình là 6,5% trong giai đoạn từ 2011 – 2016. Trong số chuỗi hệ thống bán lẻ của UAE, đại siêu thị, siêu thị và hệ thống bán hàng giảm giá chiếm 82,9% tổng doanh số bán hàng của UAE trong năm 2009. Đặc biệt, hệ thống bán lẻ rau củ của UAE được đánh giá là khu vực bán lẻ lớn nhất khu vực vùng Vịnh.
Bảng: Nhập khẩu thực phẩm của UAE qua các năm
Năm | Nhập khẩu (tỷ USD) | Tốc độ tăng trưởng |
2010 | 3,6 | 11% |
2015 (dự báo) | 5,5 | 9% |
2020 (dự báo) | 8,4 | 9% |
Nguồn: Alpen Capital
Các yếu tố giúp ngành thực phẩm và nhập khẩu thực phẩm tại UAE tăng trưởng mạnh: UAE là địa điểm du lịch nổi tiếng tại khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, UAE cũng là trung tâm triển lãm, hội chợ, thu hút nhiều du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là một đặc điểm khiến nhu cầu thực phẩm tại UAE ngày một tăng cao; Số lượng người nhập cư gia tăng: Các chính sách phát triển của Chính phủ UAE tại các Tiểu vương tạo điều kiện cho số lượng người nhập cư vào UAE ngày một nhiều, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng theo; Ngành công nghiệp nhà hàng ăn uống (catering industry) phát triển: Nhu cầu từ các dịch vụ ăn uống, đặc biệt các bữa ăn được phục vụ trên máy bay tăng mạnh khiến ngành thực phẩm tại UAE ngày càng phát triển. Hiện nay, trên 145 hãng hàng không khai thác các chuyến bay đến và từ Dubai với lượng hành khách rất lớn và nhu cầu thực phẩm đa dạng; Quan ngại của người dân UAE về vấn đề sức khỏe: trước những lo lắng về vấn đề sức khỏe, người dân UAE ngày càng ưa chuộng sử dụng sản phẩm hữu cơ. Hiện nay, UAE có khoảng 30 nhà máy sản xuất thực phẩm hữu cơ và đây cũng là những mặt hàng thực phẩm được ưu tiên nhập khẩu tại quốc gia này; Tái xuất: Ngoài việc nhập khẩu thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, UAE còn nhập khẩu thực phẩm để tái xuất sang các nước trong khu vực bởi vị trí thuận lợi. UAE nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp thô hoặc chế biến sơ để tiếp tục chế biến và tái xuất. UAE tái xuất khoảng 50% lượng thực phẩm nhập khẩu sang các nước GCC khác và sang cả Nga, Ấn Độ, Pakistan và các nước Đông Phi; Chính sách đảm bảo an ninh lương thực: Chính phủ UAE luôn chú trọng đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh việc nhập khẩu thực phẩm, UAE cũng đầu tư vào các dự án nông nghiệp tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Căm-pu-chia, Ai Cập, Pakistan, Rumani, Xu-đăng… nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm ổn định, tránh được những ảnh hưởng của biến động thị trường. Quỹ Phát triển Abu Dhabi đầu tư phát triển hơn 30 km2 đất tại Xu-đăng để sản xuất lúa mỳ, ngô, khoai tây, cỏ khô; Các chương trình hỗ trợ phát triển: Trong vòng 20 năm từ 1994 đến nay, Chính phủ UAE đã đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào lĩnh vực thực phẩm. Chính phủ khuyến khích phát triển dịch vụ ăn uống và hoạt động tái xuất. Hiện UAE có khoảng 150 nhà máy chế biến thực phẩm. Chính phủ UAE cũng khuyến khích các nhà bán lẻ trong nước cung cấp khoảng 400 hạng mục thực phẩm với giá thấp hơn mức giá trước đó nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, nhu cầu về thực phẩm tại UAE ngày càng tăng cao là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm sang thị trường này. Trước sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nâng cao chất lượng sản phẩm, ký mã hiệu và bao bì đóng gói, tuân thủ các yêu cầu quy định về vệ sinh và tập quán tiêu dùng để thuận tiện cho việc thâm nhập thị trường.