Công nghiệp chế biến, chế tạo: Nỗ lực giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực đang gặp khó khi chỉ số tồn kho tăng, đặc biệt tại một số địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp.

Chỉ số tồn kho tăng ở một số địa phương

Tại thời điểm này, hàng hóa tồn kho ngành chế biến, chế tạo có dấu hiệu gia tăng tại một số địa phương được coi là “thủ phủ sản xuất công nghiệp”. Đơn cử, ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2023 ước tính tăng 4% so với tháng trước. Không những vậy, nếu tính chung trong 5 tháng đầu năm nay thì chỉ số này đã tăng đến 11,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số ngành tại TP. Hồ Chí Minh có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng đến 93,3%; sản xuất kim loại tăng 87,0%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 55,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 53,2%.

Một số địa phương trọng điểm về sản xuất đang đối mặt với chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao
Một số địa phương trọng điểm về sản xuất đang đối mặt với chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao

Hay như ở Đồng Nai, trong tháng 5/2023, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 5% so với tháng trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng hơn 56%; sản xuất đồ uống tăng gần 149%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng gần 20%; ngành dệt tăng gần 8%...

Ở chiều ngược lại, tại Vĩnh Phúc, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2023 giảm 0,65% so với tháng trước và giảm 31,28% so với cùng kỳ. So với tháng trước, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 10,20%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 13,68% và sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 9,21%...; một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất trang phục tăng 12,02%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,60%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,21%...

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thông kê cũng cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2023 là 81,1% (bình quân quý I năm 2022 là 79,9%).

Có thể thấy, việc gia tăng chỉ số hàng tồn kho đang “đè nặng" áp lực lên nhiều doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong khi sức mua ở thị trường trong nước đang có giới hạn nhất định.

Linh hoạt ứng phó

Theo các doanh nghiệp, tình hình khó khăn về sản xuất, xuất khẩu có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2023, chứ không phải chỉ đến đầu quý III/2023 như dự báo ban đầu. Hiện sức mua của các thị trường lớn trên thế giới và thị trường trong nước đều giảm, vì người dân lo ngại kinh tế suy thoái, kéo theo giảm việc làm và thu nhập nên đã thắt chặt chi tiêu. Cùng với các giải pháp giảm tồn kho về mức hợp lý đòi hỏi sự linh hoạt của các doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Vì thế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng như cả nước đều mong Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa và nước ngoài để kích cầu sức mua tăng. Như vậy, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm những đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất chờ cơ hội để phục hồi. Ngoài ra, những vướng mắc về chính sách cũng cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Đơn cử như đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp trong nước đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh với thị trường.

Bộ Công Thương cũng đang thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt thông qua hệ thống các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, đơn hàng mới.

Nêu thêm giải pháp, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, giảm áp lực tồn kho.

Quan trọng các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.

Nguồn: Báo Công Thương