Những con số không mấy vui về xuất khẩu quý I/2023 với các ngành xuất khẩu chủ lực vài chục tỷ USD/năm như dệt may, giày dép đã bộc lộ rõ qua báo cáo xuất khẩu.
Quý I/2022, ngành dệt may mang về 8,711 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, xơ sợi cũng góp 1,45 tỷ USD, giày dép mang về 5,3 tỷ USD, vải mành kỹ thuật 217 triệu USD..., nhưng quý I/2023 cục diện đã khác đi nhiều. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải mành cho tới giày dép đã bị "bay hơi" khoảng 3 tỷ USD.
Cụ thể, hàng dệt may giảm 17,4%, vải mành giảm 12,4%, xơ sợi giảm 33,9%, trong khi giày dép các loại giảm 18,6% so với cùng kỳ.
Các tổ chức quốc tế đánh giá, 2023 sẽ là năm cực khó với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, từ đó, tác động ngay mà mạnh tới 2 động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Dù cán cân thương mại dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác.
Chỉ số sản xuất trang phục quý đầu năm đã giảm 7,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên; giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%.
Chia sẻ khó khăn mà ngành dệt may phải đối mặt trong năm 2023 với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu cho hay: "Qua cập nhật từ các dự báo, phân tích của các tổ chức trong nước và thế giới, nhu cầu dệt may thế giới trong năm nay sẽ giảm 6 - 10%, từ 757 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí còn 687 tỷ USD".
Tức là ở kịch bản đầu tiên, thế giới sẽ giảm 45 tỷ USD mua hàng hóa dệt may, nặng hơn nữa có thể giảm chi tới 70 tỷ USD.
Cầu giảm mạnh vài chục tỷ USD, thì các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn như Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên.
Đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may xác nhận: đơn hàng cho quý II vẫn cực khó, chỉ đủ cho hết tháng 4, trong khi năm 2022 đã có đến nửa năm, thậm chí quý III.
Chính ông Hiếu cũng xác nhận, các doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước tới tháng 12.
Nghe ngóng tình hình thị trường, các doanh nghiệp đều có chung nhận định, lúc này, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, thậm chí khả năng quay lại của lạm phát vẫn cao, việc Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa...
Những yếu tố này càng làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may, giày dép trong nước khó chồng khó.
Năm ngoái, dù đơn hàng quý IV/2022 sụt giảm mạnh, nhưng nhờ xuất khẩu tăng cao trong 3 quý trước đó, hai ngành dệt may và da giày vẫn mang về kim ngạch xuất khẩu đạt 71 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó dệt may đạt 44 tỷ USD; da giày - túi xách đạt 27 tỷ USD.
Các doanh nghiệp đang mong mỏi, thị trường sẽ ấm dần lên vào nửa cuối năm để dồn lực sản xuất, giao hàng, bù đắp cho lượng đơn hàng sụt giảm những tháng đầu năm.
Nguồn: Báo Đầu Tư