4 thách thức lớn
TP. Hồ Chí Minh hiện là một trong 5 địa phương tham gia Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp (KCN) sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Nhiều thách thức cho TP. Hồ Chí Minh phát triển khu công nghiệp sinh thái. Ảnh Minh Phan |
Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh cũng từng đưa ra cam kết mạnh mẽ phối hợp chặt chẽ trong triển khai dự án. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TP. HCM và trên cả nước.
Theo ThS. Đặng Quốc Toàn – Nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, là đầu tầu kinh tế của cả nước nhưng phát triển công nghiệp của thành phố có dấu hiệu chậm lại, do đó cần cú huých để lấy lại đà tăng trưởng. Mặt khác, việc chuyển đổi, phát triển các KCN theo hướng sinh thái là xu hướng và cần thiết trong quá trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, con đường này không dễ dàng và TP. Hồ Chí Minh sẽ gặp một số rào cản trong quá trình thực hiện.
Rào cản đầu tiên, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa lĩnh vực, liên kết, hợp tác trong KCN, khu chế xuất (KCX) còn thấp. Chuỗi liên kết về nguyên vật liệu giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN, KCX còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp trong nội bộ KCN, KCX chỉ chiếm 4,3% còn lại là khách ngoài KCN, KCX.
Thứ hai, về bảo vệ môi trường, qua phân tích 5 chỉ báo về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch của các KCN, KCX hiện hữu cho thấy đạt mức chung là 69,2% (đạt mức khá).
Thứ ba, hạ tầng phục vụ KCN thiếu đồng bộ. Hệ thống giao thông kết nối đến KCN, KCX mặc dù có cải thiện nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của KCN, KCX.
Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Điều này khiến TP. Hồ Chí Minh mất đi lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới là chìa khóa trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái, cùng với đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để áp dụng các công nghệ mới.
Khuyến nghị từ chuyên gia
Việc phát triển các KCN, KCX sinh thái là xu hướng và là đòi hỏi cho TP. Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng công nghiệp. Cũng đồng thời là giải pháp để thành phố hoàn thành nhiệm vụ phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu (bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất - cao su - nhựa; cơ khí; điện tử).
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, đồng thời vượt qua thách thức, các chuyên gia nêu ra một số khuyến nghị.
Trong đó, thành phố cần nâng cao nhận thức và kỹ năng để thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Một hệ sinh thái công nghiệp lý tưởng có thể không bao giờ đạt được trong thực tế, nên tư tưởng ngại thay đổi từ KCN hiện hữu sang KCN sinh thái còn tồn tại khá phổ biến ở các doanh nghiệp. Do đó, cả người sản xuất và người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức về khả năng tiếp cận các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong một hệ sinh thái công nghiệp khép kín để mức sống, môi trường sống ngày càng được cải thiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện. Trong các doanh nghiệp cần có nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc nhân viên kỹ thuật trong áp dụng các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong quy trình sản xuất dựa trên tinh thần tự nguyện, vừa đảm bảo lợi ích chung cho xã hội, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho bản thân các doanh nghiệp.
Chính quyền thành phố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình nâng cấp các KCN thành KCN sinh thái thân thiện với môi trường. Với chức năng là bà đỡ, chính quyền cần có các chính sách, chủ trương và giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hình thành các KCN sinh thái như: miễn giảm phí thuê đất, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng…
Nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng ứng dụng, nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ, quản lý cho sự phát triển KCN sinh thái là nhân tố có tính nền tảng để đảm bảo quá trình chuyển đổi KCN và phát triển KCN sinh thái thành công. Chính vì vậy, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chiến lược phát triển khoa học – công nghệ cần gắn với thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ, ngành công nghiệp mới và chuyển đổi, phát triển các KCN sinh thái của thành phố.
Nguồn: Báo Công Thương