Giải pháp công nghệ mới được giới thiệu đến khách hàng
Tham dự Hội chợ Sản phẩm Công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 19 - 21/10/2023 tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng Quốc gia TP. Hà Nội, Công ty CP Cơ điện Tomeco mang đến đa dạng các sản phẩm phục vụ cho nhiều tệp khách hàng khác nhau của doanh nghiệp.
Công ty CP Cơ điện Tomeco giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới đến khách hàng ngay tại hội chợ |
Đáng chú ý, ngay tại hội chợ, doanh nghiệp đã giới thiệu đến các đối tác, khách hàng 2 sản phẩm mới gồm: Hệ thống quản lý quạt công nghiệp ứng dụng IoT; Giải pháp hệ thống đo kiểm tự động 247.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đặng Bình Thành - cố vấn kỹ thuật và nghiên cứu phát triển của Công ty CP Cơ điện Tomeco - cho hay, đây là những giải pháp công nghệ mới, tiếp cận công nghệ 4.0 kết nối vạn vật IoT, cho phép giám sát hiện trạng cũng như chế độ vận hành của sản phẩm theo thời gian thực.
“Hệ thống giám sát này như thiết bị kiểm tra sức khỏe thường xuyên của con người, chúng ta hoàn toàn có được những cảnh báo sớm, nguy cơ xảy ra sự cố. Với các giải pháp mới này giúp hỗ trợ cho cả nhà cung cấp và khách hàng trong việc chủ động, giám sát hoạt động của sản phẩm theo thời gian thực”, ông Nguyễn Đặng Bình Thành cho biết.
Liên quan đến lĩnh vực quạt công nghiệp, ông Phạm Hữu Tú - Giám đốc Marketing - Công ty CP Cơ điện Tomeco - cho hay, hiện nay, trên thị trường đang có 2 dòng quạt công nghiệp. Dòng quạt công nghiệp công nghệ cao, giá thành rất cao, có xuất xứ từ châu Âu. Thứ hai là các dòng sản phẩm trong nước sản xuất và Tomeco là một trong những đơn vị đi đầu về tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật sản phẩm của doanh nghiệp đang dẫn đầu tại Việt Nam.
“Thị trường quạt công nghiệp trong nước hiện cạnh tranh khá khốc liệt. Để cạnh tranh, vấn đề tiêu chuẩn để áp dụng là hết sức quan trọng, hiện nay, chúng tôi áp dụng theo các tiêu chuẩn của thế giới, do đó, Tomeco là đơn vị duy nhất tại Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại) có thể cung cấp các dòng sản phẩm công nghiệp công suất lớn”, ông Phạm Hữu Tú chia sẻ.
Theo các chuyên gia trong ngành, nếu các sản phẩm từ châu Âu có lợi thế lâu năm về thương hiệu thì các sản phẩm của Việt Nam đang có sức cạnh tranh về giá, về thời gian cung cấp, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Ông Phạm Hữu Tú cho hay, nếu tính về tổng dung lượng thị trường, các doanh nghiệp trong nước đang chiếm khoảng 60% về giá trị, nhưng nếu tính về sản lượng và số lượng cung cấp thì các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 85% do giá thành sản phẩm trong nước đang cạnh tranh so với các sản phẩm nhập ngoại.
Tăng cường kết nối, giao thương
Cùng chung kỳ vọng kết nối với khối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, bà Đoàn Hải Yến - Chủ tịch BNI Excellent - chia sẻ, đây là lần đầu tiên tham dự Hội chợ Sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội chúng tôi mong muốn được mở rộng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp trong ngành. “Hiện tại thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đang có sự tăng trưởng vào các đơn hàng, doanh thu. Hi vọng rằng các buổi giao thương sau hội chợ sẽ giúp cho các doanh nghiệp duy trì được mức tăng trưởng, phục hồi tích cực, tăng trưởng tốt vào quý IV này”, bà Đoàn Hải Yến cho hay.
Tìm cách quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp chủ lực |
Tương tự, ông Đào Trung Kiên - Phó Chủ tịch Cộng đồng Keieijuku Việt Nam - cho biết, trong chuỗi hoạt động của Cộng đồng Keieijuku có hoạt động giao thương, kết nối. Chúng tôi kết hợp với Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) để tham gia, tổ chức hội chợ. Lần tổ chức này, cộng đồng Keieijuku có 33 doanh nghiệp tham gia với 58 gian hàng. Chúng tôi kỳ vọng đây là dịp các gian hàng, doanh nghiệp tham gia cùng nhau chia sẻ, học hỏi, giao thương và cùng nhau phát triển.
“Hiện thị trường hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi hẳn, nhưng chúng tôi cùng nhau học hỏi, thực hiện cải thiện tình hình nội tại công ty để tăng sức cạnh tranh nhờ theo học Chương trình Keieijuku - Chương trình đào tạo doanh nhân Việt Nam do VJCC thực hiện. Trong thời gian tới hy vọng các doanh nghiệp trong cộng đồng sẽ phát triển bền vững”, ông Đào Trung Kiên cho biết.
Tính đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giày; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.
Ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) - đánh giá, việc tham gia hội chợ, các doanh nghiệp mới có cơ hội trở thành bạn hàng của nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm qua các buổi tọa đàm để các doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau từ kinh nghiệm thương trường, bán hàng đến quản lý, quản trị doanh nghiệp… Đây là những kiến thức vô cùng bổ ích, đặc biệt là cho các doanh nghiệp mới, thiếu kiến thức được bổ sung để công việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm những hội chợ công nghiệp để các doanh nghiệp không những gia tăng lượng khách hàng và hướng tới hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng của mình" - ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng nhận định, theo xu hướng chung của toàn thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp đã đẩy mạnh chuyển sang chuyển đổi số. Trong đó, các doanh nghiệp lĩnh vực ngành công nghiệp chủ lực của cả nước nói chung, của Hà Nội nói riêng cũng như Tomeco cũng đã tiên phong trong lĩnh vực này. Đây được đánh giá là cách để các doanh nghiệp chủ động bắt kịp xu thế của thế giới, đồng thời chuyển mình để đáp ứng nhu cầu tối đa của khách hàng với sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt nhất cùng với giá cả cạnh tranh nhất.
Nguồn: Báo Công Thương