4 tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm
Theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2023 vừa được S&P Global công bố cho thấy, có 3 điểm nổi bật: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ tư liên tiếp; giá bán hàng giảm với tốc độ nhanh nhất trong thời gian hơn 3 năm và thời gian giao hàng của nhà cung cấp cải thiện ở mức gần kỷ lục.
PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 chỉ đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm |
Báo cáo của S&P Global chỉ rõ, các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong khoảng thời gian gần hết quý II/2023 khi nhu cầu thị trường yếu kém. Theo đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, và việc giảm sản lượng đã một phần phản ánh tình trạng thiếu điện diễn ra do đợt nắng nóng vừa qua.
Cùng đó, môi trường nhu cầu yếu đã khiến các công ty phải giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng, trong khi giá cả cũng giảm. Việc không phải chịu áp lực về khối lượng công việc đã giúp thời gian giao hàng của nhà cung cấp rút ngắn với mức độ lớn thứ nhì từng được ghi nhận (kể từ tháng 3/2011).
Kết quả, PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 chỉ đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Theo S&P Global, điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm.
Báo cáo cũng cho hay, trong kỳ khảo sát mới nhất, các doanh nghiệp đã đề cập đến tình trạng nhu cầu yếu kém nhiều nhất, và các điều kiện thị trường suy giảm là nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ 4 liên tiếp, với tốc độ giảm mạnh nhưng vẫn chậm hơn so với tháng 5. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm.
Tình trạng nhu cầu hàng hóa yếu dẫn đến sản lượng sản xuất tiếp tục giảm. Không chỉ vậy, một số báo cáo còn cho thấy tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng ở Việt Nam vừa qua đã kìm hãm tăng trưởng. Theo đó, sản lượng giảm ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản, với tốc độ giảm tương đối mạnh.
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã giảm số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Việc làm đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, và thậm chí tốc độ giảm mạnh hơn so với tháng 5.
Tương tự, hoạt động mua hàng đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, mặc dù mức giảm là nhẹ vào cuối quý II/2023. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào và số lượng đơn đặt hàng mới giảm đã khiến tồn kho hàng mua giảm. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi sản lượng tăng chậm lại, và đây là lần giảm thứ 2 liên tiếp.
Cũng theo S&P Global, môi trường nhu cầu yếu cũng đã làm giảm áp lực lên giá cả trong tháng 6. Trên thực tế, chi phí đầu vào đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, tốc độ giảm mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2020. Giá cả đầu vào giảm giúp các công ty dễ dàng hơn trong việc giảm giá bán hàng để kích thích nhu cầu. Giá cả đầu ra đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, và lần giảm giá này là đáng kể nhất trong hơn 3 năm qua.
Cùng với tình trạng giảm áp lực lên giá cả, tình trạng thiếu nhu cầu trong ngành sản xuất cũng tạo ra năng lực dự phòng trong chuỗi cung ứng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn với mức độ cao nhất trong gần 12 năm, và mức độ rút ngắn là cao thứ nhì kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.
Tín hiệu tốt từ chính sách kích cầu thị trường
Theo Bộ Công Thương, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Chẳng hạn như, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê; hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại trở lại thị trường lao động làm việc…), chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí (như giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế)... sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí….
Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
Nguồn: Báo Công Thương