Doanh nghiệp ngày một “kiệt sức”
“Doanh nghiệp ngày một “kiệt sức””, đó là chia sẻ của ông Phạm Quang Anh- Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Theo lãnh đạo Dony, đã 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất ngày một khó, từ thiếu nguyên liệu, lãi suất tăng cao, thiếu lao động. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dẫn tới không có đơn hàng cho doanh nghiệp sản xuất. “Mấy năm nay chúng tôi chỉ tìm mọi cách để chuyền chạy, có việc làm, có thu nhập cho người lao động chứ không tính đến lợi nhuận”, ông Phạm Quang Anh bày tỏ.
Từ đầu năm tới nay, đơn hàng giảm tuy không quá nghiêm trọng như nhiều doanh nghiệp khác nhưng Dony đã phải xoay sở tìm đối tác, đơn hàng và cố gắng linh hoạt trong sản xuất để có thể làm ra những mặt hàng giá rẻ để có thể duy trì sản xuất.
“Dony có đơn hàng sản xuất đồng phục cho công ty xây dựng từ cuối năm 2022 nhưng bị khất nợ thanh toán cho đến tận thời điểm này. Đây là hệ luỵ từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, Chính phủ cũng cần có biện pháp tháo gỡ giúp cho ngành này hồi phục, từ đó kéo các ngành sản xuất liên quan khởi sắc hơn”, ông Phạm Quang Anh nói.
May mắn hơn rất nhiều doanh nghiệp khác, Quý I/2023 đơn hàng của Tổng Công ty May 10- CTCP chỉ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, May 10 phải đối mặt với tình trạng đơn hàng nhỏ, buộc phải tổ chức sản xuất nhiều mặt hàng trên cùng 1 chuyền. Đây là điều cực khó bởi các công đoạn sản xuất đã được chuyên môn hoá, năng suất đạt được không cao.
Phục hồi sản xuất công nghiệp: Cần giải pháp phù hợp cho từng ngành |
“Doanh nghiệp đã phải đa dạng hoá sản xuất, đào tạo công nhân để có đa tay nghề, đáp ứng được nhiều loại đơn hàng, thích ứng nhu cầu thị trường”, ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc May 10 cho hay.
Khó khăn trong sản xuất của May 10 và Dony là tình trạng chung, thậm chí còn nhẹ hơn với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dệt may. Nhìn rộng ra cả ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bức tranh cũng khá ảm đạm. Theo Bộ Công Thương, Quý I/2023, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ, nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định...
Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng ngay cả với các sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã bắt đầu giảm.
Về nguyên nhân này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ là một phần. Gần đây Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều động thái mạnh mẽ để hỗ trợ và tiếp sức cho doanh nghiệp như chính sách tài khoá, giãn thời gian nộp một số loại thuế, tiền thuê đất… “Tuy nhiên, ban hành chính sách là một chuyện, thực thi và thực thi hiệu quả lại là chuyện khác. Do vậy, cần cải thiện điều kiện tiếp cận giúp doanh nghiệp có thể hấp thụ các ưu đãi”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Giải pháp nào phù hợp?
Trước tình trạng trì trệ sản xuất của doanh nghiệp đang kéo giảm tăng trưởng sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đang nỗ lực tìm mọi cách gỡ khó, phát triển đầu ra cho hàng hoá, từ đó thúc đẩy sản xuất.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Sự nỗ lực của Bộ Công Thương là không đủ, bản thân doanh nghiệp, ngành nghề cần tăng tính liên kết để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa phải chặt chẽ và đi theo chuỗi khi đó, giá trị gia tăng mới cao và phát triển bền vững.
Về giải pháp gỡ cho sản xuất công nghiệp, TS. Nguyễn Bích Lâm bày tỏ: Quan trọng nhất là tìm đầu ra cho doanh nghiệp, lưu ý mỗi ngành có đầu ra khác nhau. Với những ngành có thế mạnh xuất khẩu như giày da, dệt may bên cạnh duy trì thị trường truyền thống cần tìm các thị trường mới.
Các cơ quan quản lý cần rà soát kỹ, có thể tổ chức hội thảo, hội nghị, chia doanh nghiệp theo các ngành hàng khác nhau, vùng miền khác nhau để có giải pháp tháo gỡ cho phù hợp, hiệu quả. Cơ quan có liên quan phải thực sự trách nhiệm, gắn vào việc này, để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về thể chế, cần gỡ bỏ những quy định cản trở doanh nghiệp phát triển. Hiện nay có nhiều quy định không sai nhưng không phù hợp thực tế, khiến doanh nghiệp chịu vô vàn khó khăn, không thể đáp ứng được tiêu chuẩn để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ nữa, các Bộ ngành, cơ quan nhà nước liên quan định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cần phân cấp cho các bộ ngành định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn.
Bàn về yếu tố vốn, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn về vốn nên cần có giải pháp khơi mở dòng vốn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Thời gian tới cần có ngay những giải pháp để khơi thông các kênh dẫn vốn an toàn, tạo niềm tin trên thị trường trái phiếu, chứng khoán… Xem nút thắt từng lĩnh vực một, lĩnh vực nào cần ưu tiên thì rót vốn vào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phải tính toán cố gẵng giữ ổn định lãi suất.
Cuối cùng, tiếp tục xem xét cắt giảm được thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thanh tra và kiểm tra định kỳ, có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khai mở thị trường mới rất hiệu quả cho doanh nghiệp…
Nguồn: Báo Công Thương