Mục tiêu trở thành tỉnh phát triển bền vững
Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã lựa chọn kịch bản phát triển theo hướng hài hòa, bền vững. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2021-2030 là 7,25-8,25%, trong đó 2021-2025 là 7-8% và 2026-2030 là 7,5-8,5%.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Quảng Ngãi xác định mục tiêu, đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim.
Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Để phục vụ cho các mục tiêu phát triển trên, Quảng Ngãi xác định 3 tầm nhìn chiến lược gồm: Phát triển dựa trên những ưu thế riêng của mình, hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; trở thành điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; kết hợp Quảng Nam phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá. Trong đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thứ nhất, đổi mới sắp xếp không gian phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện xây dựng chính quyền điện tử; Thứ ba, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch để từng bước trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển, quảng bá văn hóa, lịch sử, di sản Quảng Ngãi; Thứ tư, đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tài nguyên nước; bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
4 nhiệm vụ đột phá gồm: (1) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; (2) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai; (3) Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển. Ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông; thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số; (4) Áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.
Năm 2050, Quảng Ngãi đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh |
Tận dụng liên kết vùng để phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để tỉnh Quảng Ngãi xác định những điểm nghẽn, nút thắt cần phải giải quyết cũng như tìm ra những động lực mới, xung lực mới để địa phương sắp xếp lại không gian phát triển, sắp xếp lại cơ cấu các ngành, nhằm tận dụng được các tiềm năng lợi thế. Từ đó mới có thể phát triển nhanh, bền vững.
Cũng theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2011- 2015, tỉnh Quảng Ngãi có tốc độ tăng trưởng cao khoảng 8,4%. Trong đó động lực tăng trưởng của tỉnh là khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy thép Hoà Phát.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của tỉnh đang có xu hướng chậm lại trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra dù tăng trưởng, thu ngân sách cao trong một giai đoạn dài song thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ đô thị hoá chỉ đạt 24%.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cần cơ cấu lại các ngành, không được quá phụ thuộc vào khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu hay nhà máy thép. Quảng Ngãi cần tận dụng hết các mối liên kết kinh tế với Quảng Nam, Bình Định, nhất là với khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam). Hai khu kinh tế bên cạnh nhau, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ để trở thành một tổ hợp công nghiệp lớn của cả nước.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị tỉnh làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết vùng với 2 địa phương là Quảng Nam và Bình Định trong vùng và cả với vùng Tây Nguyên - là điểm tựa của Quảng Ngãi hướng ra Biển Đông.
Trong khi đó chuyên gia Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch đề nghị xác định rõ lợi thế so sánh (tiềm năng, vị trí, cơ hội) của du lịch Quảng Ngãi trong mối quan hệ với các địa phương có điều kiện tương đồng.
Nguồn: Báo Công Thương