Theo các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo hiệp hội và doanh nghiệp, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là một bước quan trọng để tạo động lực mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và khắc phục những khó khăn trong phát triển công nghiệp đã tồn tại trong những năm qua. Đây là một cơ hội để tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng và định hướng cho sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế.
Chính sách phù hợp và hiệu quả tạo động lực phát triển lâu dài
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhằm thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện do NARIME thiết kế, chế tạo cho dự án Thái Bình 1. Ảnh: N.C.S |
Theo Thứ trưởng, hệ thống pháp luật hiện hành có một số ít Luật quy định cụ thể về một ngành công nghiệp như Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản… Đây là các phân ngành công nghiệp có đặc điểm không trực tiếp xây dựng nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, không tạo ra giá trị gia tăng lớn, không có tác động lan tỏa lớn đến các ngành kinh tế - xã hội khác mà chủ yếu sử dụng trực tiếp tài nguyên của quốc gia, nguồn lực của Nhà nước. Vì vậy, tính chất và phạm vi điều chỉnh của các đạo luật này chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sự can thiệp từ phía Nhà nước nhằm bảo đảm khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của quốc gia, cân bằng cung – cầu đầu vào và đầu ra phục vụ cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng khác.
Khác với các đạo luật trên, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành công nghiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng – đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là cấp thiết nhằm khuyến khích, kích thích ngành công nghiệp phát triển. Trước các ý kiến băn khoăn cho rằng phạm vi, đối tượng phát triển công nghiệp rất rộng, nhiều lĩnh vực công nghiệp cụ thể đã có luật điều chỉnh, cũng như nhiều chính sách phát triển công nghiệp đã được quy định trong các luật về thuế, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... ông Hoài khẳng định: “Bộ Công Thương đang nghiên cứu và thu hẹp phạm vi của Luật, tránh chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả điều chỉnh không cao”.
Ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thông tin thêm, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp quốc phòng - an ninh, công nghiệp công nghệ số - công nghệ thông tin, công nghiệp hóa chất do đã có các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh nên sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công nghiệp trọng điểm.
Đề cương Luật Công nghiệp trọng điểm đề xuất Chính phủ ban hành chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ 10 năm, nhằm định hướng và xác định mục tiêu phát triển cho các ngành công nghiệp trọng điểm trên phạm vi toàn quốc trong từng giai đoạn. Chương trình này có vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững cho ngành công nghiệp, đồng thời tập trung tối ưu sử dụng các nguồn lực của đất nước từ trung ương đến địa phương.
Trong khuôn khổ các nội dung của chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình phát triển công nghiệp đối với từng ngành công nghiệp trọng điểm cụ thể. Các nội dung chính được đưa ra trong Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tập trung vào: Ưu đãi cho các dự án công nghiệp trọng điểm và quản lý đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy các “đầu tàu” và doanh nghiệp tiềm năng, ban hành các chính sách đặc biệt trong phát triển công nghiệp trọng điểm, phát triển bền vững.
Nhìn chung, những giải pháp và mục tiêu của Luật đều hướng đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngành công nghiệp trong tình hình kinh tế hiện nay.
Hướng đến mục tiêu dẫn dắt, lan tỏa
TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh dự án Luật Công nghiệp trọng điểm đặt mục tiêu cao hơn là dẫn dắt, lan toả. Như vậy có thể trùng về lĩnh vực nhưng không trùng định hướng, tương tự như việc trùng hình thức nhưng không trùng về nội dung. Thậm chí phải tính đến cả nguyên tắc phối hợp ban hành chính sách để có thể đảm bảo tính nhất quán mà chúng ta đã xác định. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh đến một số ngành công nghiệp trọng điểm mang tính chất nền tảng, đẩy mạnh một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Những chính sách mới, hiệu quả được kỳ vọng giúp Việt Nam trở thành "cứ điểm" sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, có nhiều chính sách hỗ trợ trong ngành công nghiệp, hướng tới các đối tượng khác nhau như đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nếu thiếu đi tính phối hợp, điều hoà chính sách một cách tổng thể thì sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo và có những khoảng trống. Trong Luật Công nghiệp trọng điểm cũng cần đề xuất chính sách về phát triển công nghiệp một cách cụ thể. Đây là điều rất cần thiết và quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời, quá trình xây dựng Luật cũng cần tính toán đến việc tổ chức thực thi, cân nhắc giao cho một cơ quan đủ thẩm quyền thay vì giao cho các Bộ theo phạm vi chức năng.
“Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cần những chính sách mang tính chất hỗ trợ chung, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức thực hiện ưu đãi đối với doanh nghiệp nên tránh hành chính hoá, tạo ra những rào cản mà nên sử dụng công nghệ và những cách thức thị trường, nên ưu đãi theo kết quả đầu ra. Ví dụ, chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát minh sáng chế có thể triển khai theo cách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư để nghiên cứu tạo ra phát minh sáng chế và để tránh việc lạm dụng phải đặt ra các tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục hành chính”, ông Hiếu lưu ý.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, so sánh Luật Công nghiệp trọng điểm với hình ảnh một chiếc "phanh" cho ngành công nghiệp. Ông Thiên cho rằng, Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và điều chỉnh sự phát triển của ngành công nghiệp, giúp đảm bảo “chuyến xe công nghiệp” phát triển nhanh chóng, ổn định và an toàn. Nhờ tạo ra một khung khổ thống nhất và thuận lợi, giúp các doanh nghiệp và ngành công nghiệp không "chệch đường" khỏi cấu trúc đã được đề ra trong các quy hoạch và chiến lược. Ngoài việc hướng đến việc tăng cường hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, Luật cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng hơn để đảm bảo sự hợp lý và phù hợp với định hướng của chính sách phát triển.
Tuy vậy, theo ông Thiên, với đối tượng của dự án Luật, cần xác định và lựa chọn đối tượng nào là công nghiệp trọng điểm, đối tượng nào là dẫn xuất vì nguồn lực thực hiện Luật sẽ rất hạn chế. Việc tiếp cận đối tượng trong dự án Luật cũng sẽ phức tạp hơn, bởi không chỉ đối đầu với cấu trúc công nghiệp cổ điển mang tính chất khép kín mà còn phải đối mặt với công nghiệp hướng tới tương lai, công nghệ cao và hàng loạt tiêu chuẩn môi trường cực kỳ cao. Do vậy, khi xây dựng dự án Luật cũng cần tiếp cận tới cấu trúc phát triển khác trong đó có cơ cấu ngành, hệ thống tổ chức.
Về phạm vi của dự án Luật, phải có tiêu chuẩn rõ ràng hơn, đủ để làm mốc lựa chọn các ngành đối tượng và khung thời gian ưu đãi, ưu tiên cho phù hợp. Tinh thần của dự án Luật Công nghiệp trọng điểm khác hẳn các đạo luật khác, được xây dựng theo hướng mở để thúc đẩy phát triển chứ không phải quản lý. Nên trong dự án Luật cũng cần quy định rõ Nhà nước làm gì, tư nhân được làm gì và không can thiệp sâu gây tổn hại thị trường. Hai đối tượng này cần có sự kết hợp, bổ trợ cho nhau cùng phát triển chứ không vì lợi ích nhóm.
“Để thành công cần phải đảm bảo được sự đồng thuận quốc gia trong xây dựng và phát triển dự án Luật này. Bộ máy giám sát, thực thi cũng cần đủ mạnh, cần có sự tham gia của đối tượng đủ quyền lực và bộ máy ở dưới phải trung tính và không nghiêng về bên nào. Bên cạnh đó, để phát triển "đúng địa chỉ", Luật Công nghiệp trọng điểm cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng hơn, lựa chọn các ngành ưu tiên gắn với chính sách ưu đãi cụ thể, khuyến khích mở ra thị trường cạnh tranh”, PGS.TS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dự án Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng quan trọng cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đã “lỡ hẹn” 3 lần. Đặc biệt, đa số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm… Trong khi đó, xu hướng phát triển hiện đại của thế giới đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý nên cân nhắc kết hợp Luật Công nghệ thông tin và Luật Công nghiệp Quốc phòng vào Luật Công nghiệp trọng điểm, qua đó huy động tối đa nguồn lực cho phát triển công nghiệp nói chung.
Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững công nghiệp
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và điều chỉnh sự phát triển của ngành công nghiệp, giúp Việt Nam có được một ngành công nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Long, công nghiệp trọng điểm là các ngành mà dựa trên đó các ngành công nghiệp khác tồn tại và phát triển, cung cấp các yếu tố đầu vào và tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp và kinh tế khác. Việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm là cơ sở thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nâng cấp trình độ của toàn bộ nền công nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Không những thế, sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm có tác động lan toả và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. Điều này giúp tạo ra hiệu ứng kinh tế tích cực và đẩy mạnh sự đa dạng kinh tế của đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm cũng là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng và cạnh tranh của các sản phẩm, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
“Với vai trò quan trọng như vậy, việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm thông qua Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ là một đòn bẩy quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam”, ông Long nhấn mạnh.
PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam |
Theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Cụ thể, Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ định rõ các quy định và chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Việc có một khung pháp lý rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển và đầu tư vào các ngành này. Luật Công nghiệp trọng điểm cũng tạo động lực mới cho doanh nghiệp, thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp trọng điểm thường liên kết mật thiết với các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ và nâng cao trình độ của toàn bộ nền công nghiệp. Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ này.
Đặc biệt, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
“Tóm lại, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và định hướng phát triển cho các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam”, TS Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương