Sau 10 năm triển khai, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công (Nghị định 45) đã giúp công tác khuyến công của địa phương đi vào chiều sâu và tác động tích cực hơn tới ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Tuy nhiên, bối cảnh cho phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng đã có nhiều thay đổi, buộc chính sách khuyến công cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo Sở Công Thương Lào Cai, theo quy định hiện hành, chỉ những đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một số xã có thời gian chuyển đổi lên phường không quá 5 năm thuộc thành phố loại 1 mới được thụ hưởng chính sách khuyến công (thường đây là những địa phương tập trung số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn lớn nhất). Do vậy, rất thiệt thòi cho các đối tượng trong diện hỗ trợ phát triển sản xuất và cũng rất trở ngại khi không tìm được đối tác đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ kinh phí khuyến công.
Khuyến công giúp công nghiệp nông thôn Lào Cai thay đổi cả chất và lượng |
Do vậy địa phương đề xuất, bỏ quy định về thời gian chuyển đổi. Đối tượng thụ hưởng sẽ là những tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Lào Cai cũng đề xuất bổ sung nội dung, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh (số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình trong kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp). Điều này phù hợp với chủ trương chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công.
Nguyên nhân, mức hỗ trợ ở các nội dung hỗ trợ còn thấp chưa thực sự tạo được cú huých để cho các đơn vị sản xuất tạo được sự bứt phá và trở thành những doanh nghiệp lớn, sản xuất hàng loạt sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa. Đồng thời, chú trọng nâng mức hỗ trợ cho các nội dung thiết thực làm đòn bẩy phát triển sản xuất và được các cơ sở sản xuất quan tâm như: Hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật...
Cùng đó, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn, Nghị định 45 cần có sự kết nối với hoạt động xúc tiến thương mại để có sự ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua các chương trình hội chợ, triển lãm và kết nối cung cầu.
Ngoài ra, chính sách khuyến công hiện nay có quy định về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp, tuy nhiên mức hỗ trợ rất thấp so với suất đầu tư. Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có quy định: UBND cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể; việc xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp tại địa phương cũng dễ xảy ra việc chồng chéo nội dung hỗ trợ với chính sách khuyến công. Đề nghị Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ sửa đổi liên quan đến hỗ trợ cụm công nghiệp có sự kết nối đảm bảo đồng bộ giữa hai chính sách.
Theo Sở Công Thương Lào Cai, thời gian qua khuyến công là một trong những nhiệm vụ được ngành Công Thương Lào Cai chú trọng thực hiện nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thông ổn định và phát triển sản xuất.
Đáng nói, kinh phí dành cho công tác khuyến công ổn định, thậm chí tăng theo hàng năm. Cụ thể, năm 2020 tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ của tỉnh là 2,058 tỷ đồng; năm 2021 là 2,576 tỷ đồng; năm 2022 là 2,659 tỷ đồng và năm 2023 là 2,511 tỷ đồng.
Các đề án triển khai từ chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xã định đúng hướng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn của địa phương phát triển.
Nguồn: Báo Công Thương