Tại Hội thảo Chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đến nay, cả nước đã có 407 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố; thu hút trên 21 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; các khu kinh tế, khu công nghiệp đã nộp ngân sách 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng thu trong nước (không gồm dầu thô). khu kinh tế, khu công nghiệp cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.
“Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ngừng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước” - ông Bùi Quốc Dũng khẳng định.
Phó tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo Phó tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24% khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025 rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho rằng, một trong những giải pháp là phải tăng cường thúc đầy phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ đó thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được hiến định tại Hiến pháp 2013 và thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Kiểm toán nhà nước đã và đang đảm đương vai trò là cơ quan độc lập, khách quan, là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các địa phương hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở cả tầm quốc gia và vùng và các địa phương.
“Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế của các cơ chế, chính sách, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp” - ông Bùi Quốc Dũng cho hay.
Hội thảo Chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước” |
Phó tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh, để tiếp tục tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc, hỗ trợ phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp như một động lực quan trọng trong công cuộc thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, Hội thảo sẽ phân tích, đánh giá thực trạng khách quan, toàn diện, sâu sắc về các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở nước ta và Kiểm toán nhà nước với vai trò của cơ quản kiểm tra, kiểm soát nguồn lực công sẽ cùng với các cơ quan quản lý, các tổ chức, các nhà đầu tư đưa ra những giải pháp để phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.
Phó tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đề nghị các diễn giả, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung:
Một là, thực trạng, giải pháp và vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý, đầu tư, sử dụng đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả.
Hai là, những bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách, những bài học kinh nghiệm trong quản lý, phát triển và những giải pháp trong công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp - một động lực quan trọng trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; đại diện doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ có những tham luận, thảo luận tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các địa phương và hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước… Qua đó, cung cấp những thông tin hữu ích, giúp các diễn giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý… có thêm cơ sở để phân tích, bình luận, nhận diện rõ các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời và phù hợp, giúp khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Nguồn: Báo Công Thương