"Trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất của toàn cầu và cũng là một trong những điểm đến cung ứng quốc tế chiến lược nhất, chúng tôi nhận thấy tất cả nhà mua hàng quốc tế đều có nhu cầu tìm kiếm nguồn sản phẩm từ Việt Nam và các quốc gia lân cận" - Ông Hu Wei, Giám đốc Điều hành Công ty Global Sources đã cho biết tại lễ khai mạc triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2023 (Global Sourcing Fair Việt Nam 2023) ngày 26/4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại triển lãm |
Theo ông Hu Wei, những nhà mua hàng quốc tế cần tìm nguồn sản phẩm từ Việt Nam và các nước Châu Á nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng cho xuất nhật khẩu của họ. Do vậy Global Sources đã chọn Việt Nam làm địa điểm và kết hợp với VINEXAD tổ chức Triển lãm Global Sourcing Fair Việt Nam 2023 để đáp ứng những thay đổi và nhu cầu của những nhà mua hàng quốc tế.
Được biết triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế (Global Sourcing Fair Việt Nam) có quy mô lên đến 8.800m2, với hơn 400 gian hàng của hơn 200 nhà cung cấp tham gia trưng bày đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan; Danh mục các sản phẩm trưng bày lên đến hơn 5.000 mặt hàng chuẩn xuất khẩu, rất đa dạng mẫu mã và giá thành cạnh tranh.
Triển lãm hứa hẹn sẽ thu hút sự tham gia của hơn 6.000 nhà mua hàng đến từ hơn 120 quốc gia thuộc châu Mỹ, châu Âu, châu Á và các vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Thông qua triển lãm các nhà cung cấp và nhà mua hàng sẽ có cơ hội kết nối giao thương chặt chẽ, đa dạng hóa lựa chọn nguồn cung ứng, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu từ nội thất, gia dụng, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, dệt may, thời trang…
Đáng chú ý, trong khuôn khổ triển lãm còn có chuỗi hội thảo chuyên ngành về đầu tư và xuất khẩu (Industrial Seminars) - Những chia sẻ hữu ích dưới góc nhìn “đa chiều” của các chuyên gia từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp Hội Gỗ Thủ công Mỹ nghệ VIFA, Luật sư từ Amazon Seller Lawyer.
Chuỗi hội thảo xoáy sâu vào các chủ đề nóng hiện nay như: Xu hướng và cơ hội xuất khẩu nội thất Việt Nam; Giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu; Quy trình thành lập nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Lợi ích không tưởng của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng từ Việt Nam, Ấn Độ, và các nước ASEAN.
Chia sẻ về việc tổ chức cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia sự kiện này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS)- cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang nỗ lực triển khai định hướng xanh hóa và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, VITAS đồng hành cùng Global Sources đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may trưng bày những sản phẩm chất lượng cao, và tiếp cận những nhà mua hàng chất lượng đến từ các nước.
“Chúng tôi tin rằng triển lãm sẽ là cầu nối giao thương giữa nhà cung cấp với các nhà mua hàng tiềm năng đến từ các thị trường như Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ, Hồng Kông, Trung Quốc và các nước trên thế giới” - ông Giang kỳ vọng.
Nguồn: Báo Công Thương