Bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.
Từ đầu năm tới nay, thị trường thế giới suy giảm gây ảnh hưởng nhiều đến các ngành sản xuất, xuất khẩu, vậy với ngành công nghiệp hỗ trợ thì sao, thưa bà?
Từ đầu năm tới nay, ngành công nghiệp hỗ trợ, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp FDI cũng bị suy giảm đơn hàng, trung bình khoảng 20%. Suy giảm này không chỉ đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu mà đến cả từ việc sau dịch năm 2022 đơn hàng tăng rất nhiều, sang năm 2023 tiêu thụ khó khăn nên tồn kho cao.
Thị trường truyền thống, khách hàng cũ khó khăn nhưng thị trường mới có nhiều cơ hội. Khách hàng mới tìm đến nhà cung cấp Việt Nam tương đối nhiều, chỉ có điều chúng ta có đáp ứng được hay không mà thôi. Đối với những công ty có năng lực tốt, bao gồm có hệ thống quản trị tốt, tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh, chất lượng đáp ứng thì năm nay có thêm đơn hàng mới.
Bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam |
Điều khó của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu và khó nhất là giá thành cao. Doanh nghiệp trong nước không sản xuất được cụm linh kiện hoặc sản phẩm hoàn chỉnh mà hầu hết sản xuất linh kiện rời. Đầu tư sản xuất cụm linh kiện, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, hệ sinh thái để đáp ứng cho sản xuất đó cũng đòi hỏi tốt hơn nhiều.
Như bà chia sẻ, giá thành cao đang là yếu tố khó nhất của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, vậy đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng này, thưa bà?
Đây là câu chuyện dài. Nếu so với Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN thì đầu tiên nguyên vật liệu chúng ta không chủ động bằng họ. Có những loại nguyên vật liệu cả thế giới phải nhập khẩu từ nguồn nào đó nhưng bởi vì các nước khác có nền chế tạo mạnh hơn, sản lượng lớn nên giá thành sản phẩm rẻ hơn.
Thứ 2, liên quan đến khấu hao, nhiều doanh nghiệp của nước ngoài sản xuất đã lâu, hết khấu hao, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hầu hết còn rất trẻ nên chi phí khấu hao lớn.
Thứ 3, hệ thống quản trị sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chưa được tối ưu hoá. Phần chi phí bị đội cao hơn so với những doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm lâu năm.
Cuối cùng là yếu tố liên quan đến vĩ mô như thuế, chi phí hhông chính thức. Sự hỗ trợ của Chính phủ các nước đang tốt hơn Việt Nam rất nhiều, giúp giảm chi phí tới 10-20% nên sự bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam là rất rõ ràng.
Thưa bà, một trong nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thực sự mạnh là do thiếu tính liên kết, bà nhận định ra sao về ý kiến này?
Điều này chưa thực sự đúng. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã rất nỗ lực để liên kết nhưng không thể bởi năng lực không đủ. Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam đã thành lập nhóm để sản xuất các cụm linh kiện hoàn chỉnh nhưng chúng ta thiếu rất nhiều linh kiện trong hệ sinh thái để hoàn thiện cụm đó với giá thành đáp ứng được yêu cầu từ người mua. Rất nhiều phần linh kiện phải nhập khẩu từ bên ngoài với chi phí cao.
Chỉ có những doanh nghiệp theo đuổi hệ thống quản trị một cách quyết liệt. Tức là trong nhiều năm đầu tư vào hệ thống quản trị đến nơi đế chốn hoặc bỏ rất nhiều vốn đầu tư để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế thì bây giờ nhận lại được thành quả.
Một mảng nữa chúng ta rất yếu liên quan đến điện và điện tử bởi đây là khu vực đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao và là phần doanh nghiệp FDI nắm giữ nên doanh nghiệp Việt Nam ít đầu tư. Ngay cả đầu tư mới, công ty khởi nhiệp trong công nghiệp hỗ trợ dù rất ít thì hầu hết trong lĩnh vực cơ khí, còn khu vực điện, điện tử gần như không có. Hiện tại số doanh nghiệp điện, điện tử của Việt Nam đáp ứng được chuỗi cung ứng toàn cầu chưa đến 10 công ty làm được.
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Khó cạnh tranh nhất là giá thành cao |
Với những hiện trạng trên, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam đề xuất gì để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, thưa bà?
Đầu tiên, làm thế nào để doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí sản xuất. Nếu làm được điều đó, chắc chắn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được nâng cao, bởi về chất lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Muốn cắt giảm chi phí sản xuất đầu tiên phải bù lãi suất vay ngân hàng có như thế doanh nghiệp mới xoay xở được vốn cho đầu tư máy móc thiết bị, vật tư, hệ thống quản trị hay tiêu chuẩn quốc tế. Với lãi suất như hiện tại dù Nhà nước đã cố gắng hạ lãi suất thì vẫn là rất cao so với sản xuất kinh doanh vì biên lợi nhuận của sản xuất chế tạo rất thấp, nhất là công nghiệp hỗ trợ.
Giảm chi phí liên quan đến doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ của Chính phủ cần nâng cao tính hiệu quả và cần được đánh giá hàng năm để thay đổi phù hợp. Cần có những chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường miễn phí cho doanh nghiệp tham gia và hạn chế thủ tục hành chính.
Thực hiện được những yếu tố đó sẽ giúp cho năng lưc của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nghiệp Việt Nam tăng lên. Điều này tuy không thực hiện được ngay nhưng cần được triển khai từ bây giờ để vài năm nữa có thể thay đổi diện mạo của ngành.
Riêng về việc đẩy mạnh chuyển giao công nghiệp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, theo tôi, cần phải có chế tài mạnh mẽ chứ không thể chỉ dừng lại ở yêu cầu.
Bởi lẽ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đều toàn diện và có sẵn, nếu chúng ta muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của họ ở khâu hàm lượng công nghệ cao hơn phải thương lượng và có cam kết 2 bên một cách rõ ràng cụ thể.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Công Thương