Sự kiện do Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc (Ban Chủ nhiệm phía Bắc) phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Nam (Ban Chủ nhiệm phía Nam) tổ chức lần đầu tiên dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Chủ nhiệm CLB phía Bắc Lê Quang Long phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Long – Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Bắc, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: “Hội nghị giữa Ban Chủ nhiệm phía Bắc và phía Nam nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời trao đổi kinh nghiệm, kết nối, cùng hỗ trợ để phát triển và chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của ngành ở mỗi địa phương. Đây cũng là dịp để các Ban Quản lý của 2 miền Nam – Bắc cùng nhau thảo luận; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc”.
Báo cáo tại hội nghị ông Phạm Văn Cường - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Nam - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: Trong 6 tháng năm 2023, cả nước có thêm 4 dự án hạ tầng khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 1.420,4 ha.
Với 412 khu công nghiệp đã được thành lập tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,8 nghìn ha, trong đó có 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha.
Toàn cảnh hội nghị |
Hiện tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 49,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57%. Nếu tính riêng các khu công nghệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,1%.
Đối với khu kinh tế, cả nước hiện có 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng diện tích 766 nghìn ha; 19 khu kinh tế ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển).
Theo ông Phạm Văn Cường các bất cập, chồng chéo về mặt chính sách đang tạo ra những rào cản cho công tác quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, môi trường, lao động, quy hoạch và xây dựng, đầu, doanh nghiệp, thuế, hải quan… Tuy nhiên, quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có sự khác biệt với các luật, nghị định hướng dẫn thưc hiện các luật chuyên ngành. Khi xem xét áp dụng thì căn cứ cuối cùng là luật nên không điều chỉnh được.
Bên cạnh đó, việc không có văn bản quy phạm pháp luật cao như luật hay pháp lệnh khiến cho cơ cấu, tổ chức bộ máy của các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các địa phương không đồng nhất..
Các chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan liên tục thay đổi, tính ổn định không cao, còn tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo thống kê thực tế, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các khu kinh tế, khu công nghiệp đã chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu trên cả nước, tại một số địa phương thì thu ngân sách nhà nước từ các khu công nghiệp, khu kinh tế đã chiếm trên 60% tổng thu ngân sách.
Dù có đóng góp rất lớn, nhưng vai trò, vị thế của các khu công nghiệp, khu kinh tế còn bị hạn chế bởi có quá nhiều chồng chéo giữa các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, mô hình của các Ban Quản lý chưa thống nhất cũng như chưa được phân cấp, ủy quyền đầy đủ…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tập trung trao đổi những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp trong quá trình hoạt động, áp dụng cơ chế chính sách hiện nay.
Theo đó, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phía Bắc và phía Nam đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và đầu tư về sự cần thiết phải triển khai xây dựng Luật Khu Kinh tế, Khu công nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Nguồn: Báo Công Thương