Khai thác triệt để các FTA
Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng, suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không ký được đơn hàng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp lẫn xuất khẩu 4 tháng đầu năm.
“Trước tình hình này, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó, việc khai thác tối đa các FTA đang được ngành công thương dồn lực triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm đơn hàng, khách hàng mới”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tiếp tục tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các FTA.
Hơn 60 thị trường đã ký FTA với Việt Nam đang là địa chỉ xuất khẩu lớn, chiếm gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu trên 371,5 tỷ USD hàng hóa, trong đó, riêng xuất khẩu sang các thị trường ký FTA đạt 233 tỷ USD.
Không chỉ tạo nên một khu vực thị trường xuất khẩu rộng lớn, được tạo thuận lợi về thương mại, ý nghĩa lớn của việc tham gia FTA là các ngành hàng còn thu được lợi ích vì được ưu đãi thuế quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 233 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.
“Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi là tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường”, Bộ Công thương đánh giá.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.380.359 bộ C/O ưu đãi, tăng 13,18% về trị giá và 11,75% về số lượng C/O so với năm 2021. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 33,61%, cùng với tốc độ tăng trưởng 13,18% cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần phục hồi tại các thị trường có FTA sau 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Hàng xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc được ưu đãi nhiều nhất
Việt Nam đang thực thi 15 FTA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan.
Trong số này, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN liên tục là những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA.
C/O ưu đãi (mẫu E và RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu, với trị giá hơn 17 tỷ USD. Tiếp đó là 13,34 tỷ USD C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Đứng thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Hàn Quốc (C/O mẫu AK, VK và RCEP) với 12,4 tỷ USD và Liên minh châu Âu (C/O mẫu EUR.1) với 12,1 tỷ USD.
Nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất là thủy sản (93,99%), nông sản (rau quả, cà phê và hạt tiêu) đều có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 92,26%, 97,98% và gần 100%; gỗ và sản phẩm gỗ (76,15%); giày dép (100%); dệt may (97,99%)
Việc sử dụng ưu đãi từ các FTA với Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA và RCEP) có được là do doanh nghiệp đã nắm vững quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường này; quy tắc xuất xứ của AKFTA và VKFTA tương đối linh hoạt; hàng hóa xuất khẩu có thể đáp ứng tiêu chí để được cấp C/O mẫu AK và VK.
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc và áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đối với hàng hóa xuất sang Hàn Quốc.
Dù còn gặp nhiều trở ngại trong việc đáp ứng các tiêu chí theo cam kết tại mỗi FTA với từng ngành hàng, do tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu chưa đạt, nhưng thực tế tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA vẫn gia tăng theo từng năm.
Bộ Công thương lý giải, tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 33,61% không có nghĩa là 66,39% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông đã là 0%, nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore được cấp C/O ưu đãi (558 triệu USD) chỉ chiếm 12,92% trong gần 4,32 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác khác có thuế suất MFN ở mức thấp (1 - 2% hoặc tương đương với thuế FTA) nên nhiều thương nhân không đề nghị cấp C/O. Ví dụ, Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó, thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.
Nguồn: Báo Đầu Tư